TIN TỨC

Thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội: Những kết quả đáng ghi nhận

Với quyết tâm xây dựng đời sống văn hoá mới trong cộng đồng dân cư, thời gian qua, việc triển khai thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội luôn được các cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Ninh quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực. Từ đó, góp phần xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trong cộng đồng dân cư.

Theo các quy định về thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong lễ hội, người tham gia lễ hội cần mặc trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục và ứng xử có văn hóa. Trong ảnh: Du khách thập phương trảy hội Yên TửẢnh: Phạm Học

Thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII), Kết luận số 51-KL/TW của Bộ Chính trị (khoá X), Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, Sở Văn hoá và Thể thao - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tỉnh Quảng Ninh đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở đưa nội dung thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội vào hương ước thôn, khu phố. Đồng thời, vận động nhân dân nghiêm chỉnh thực hiện tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng gia đình hoà thuận, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền. Các ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tổ chức triển khai, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội gắn với thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, cuộc vận động Chung sức xây dựng nông thôn mới. Nêu gương, nhân rộng mô hình hay, việc làm thiết thực của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên; kịp thời phê phán những hiện tượng tiêu cực, hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tỉnh, về việc cưới, phần lớn các đám cưới được thực hiện theo đúng quy định về Luật Hôn nhân và gia đình, các đám cưới đều được đăng ký kết hôn, lễ cưới được đơn giản hoá, không rườm rà kéo dài thời gian gây tốn kém; trong đám cưới không mời thuốc lá, một số đám cưới hạn chế khách mời, số lượng phù hợp, không phô trương; nhiều hủ tục lạc hậu đã được xoá bỏ. Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức đi dự lễ cưới trong giờ làm việc giảm rõ rệt. Cán bộ, công chức địa phương không sử dụng xe công đi đám cưới. Việc tổ chức đưa đón dâu đã chấp hành pháp luật an toàn giao thông và trật tự công cộng. Những hủ tục thách cưới, đón dâu hai lần, tảo hôn... hầu như không xảy ra.

Đối với việc tang, các đám tang tại các địa phương trên địa bàn tỉnh được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hoá của từng dân tộc và hoàn cảnh gia đình. Việc tổ chức phúng viếng đảm bảo trang trọng, phù hợp với truyền thống đạo lý dân tộc. Thời gian tổ chức lễ tang thực hiện đúng theo quy định, không dài ngày. Nhiều hủ tục trong đám tang như lăn đường, yểm bùa, khóc mướn... dần được xoá bỏ. Việc tổ chức ăn uống chỉ nội bộ trong gia đình, hiện tượng rắc tiền thật, rải vàng mã, tiền âm phủ đã giảm đáng kể. Các nghĩa trang đã được xây dựng theo quy hoạch, vị trí đều ở xa khu dân cư, được phân khu hung táng, cát táng riêng, đảm bảo tiện lợi cho việc chôn cất, phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang. Việc sử dụng lễ viếng bằng vòng hoa, bức trướng trong đám tang đã giảm đi rất nhiều. Một số nơi đã thực hiện bỏ tiếp thuốc lá trong lễ tang. Các gia đình có người mất đã không tổ chức ăn uống linh đình.

Điều đáng ghi nhận từ khi thực hiện quy định về nếp sống văn hoá, văn minh trong đám cưới, đám tang, nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã bớt vất vả, vừa tiết kiệm kinh tế lại vừa xây dựng nét đẹp trong đời sống văn hoá. Đặc biệt, các địa phương vùng sâu, vùng xa, đông đồng bào dân tộc thiểu số như Bình Liêu, Ba Chẽ... những hủ tục, thói quen cũ như tảo hôn, mê tín dị đoan, ma chay, cưới hỏi dài ngày, thói quen ăn ở mất vệ sinh đã được giảm đi rõ rệt. Cũng theo Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, năm 2016, toàn tỉnh có 6.585/6.773 (đạt 97,2%) số đám cưới và 4.708/4.864 (đạt 96,8%) số đám tang thực hiện tốt nếp sống văn minh.

Riêng về thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trên địa bàn tỉnh có hơn 75 lễ hội lớn nhỏ diễn ra thường niên. Công tác tổ chức lễ hội được cơ quan quản lý và quần chúng nhân dân đánh giá cao. Quảng Ninh luôn là đơn vị dẫn đầu trong cả nước trong công tác tổ chức lễ hội đầu xuân. Các lễ hội được tổ chức quy củ, trang trọng về phần lễ, văn minh phần hội nhưng vẫn đảm bảo tính linh thiêng, truyền thống. Nhiều nghi thức lễ hội truyền thống được phục dựng, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Các hoạt động văn hoá, trò chơi dân gian như thi đấu cờ người, bịt mắt đánh trống, đập niêu, kéo co, đẩy gậy... được tổ chức đáp ứng đời sống tinh thần của nhân dân. Bên cạnh đó, các lễ hội đều đảm bảo an ninh trật tự, sắp xếp hàng quán khoa học, trong khuôn viên di tích không có hàng quán; bố trí bãi đỗ xe hợp lý, tổ chức trông giữ phương tiện cho du khách...

Có thể nói, những kết quả trong việc thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua rất đáng ghi nhận. Với sự vào cuộc tích cực của các địa phương, sự tham gia ủng hộ của người dân, việc thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã đi vào chiều sâu, xây dựng đời sống tinh thần tốt đẹp hơn trong cộng đồng dân cư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển. Năm 2016, toàn tỉnh có 293.264/327.717 gia đình được công nhận là “Gia đình văn hoá”, 1.290/1.567 làng, khu phố được công nhận “Làng, khu phố văn hoá”.

Để việc thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh ngày càng lan toả, tạo sự chuyển biến thực chất, rõ nét hơn trong các cơ quan, đơn vị, địa phương, năm 2017, tỉnh Quảng Ninh thực hiện chủ đề năm là “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh”. Trong đó, tiếp tục xây dựng chuẩn mực về nếp sống văn hoá, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tại thôn (làng, bản, khu phố), tổ dân và trong cộng đồng dân cư trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo: Báo Quảng Ninh

In bài viết    Quay lại
Các tin đã đăng
 

DANH MỤC

WEBSITE SỞ NGÀNH

SỐ LƯỢT TRUY CẬP SỐ LƯỢT TRUY CẬP

Tổng số lượt truy cập 19.423.783
Trong ngày 18151
Số người online 197

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

BAN QUẢN LÝ DI TÍCH VÀ RỪNG QUỐC GIA YÊN TỬ


Giấy phép hoạt động số 06/ GPTTĐT_ STTTT ngày 22 tháng 4 năm 2019 của Sở TTTT tỉnh Quảng Ninh
Cơ quan chủ quản: Bản quản lý Yên Tử
Địa chỉ: Dốc đỏ, P.Phương Đông, TP.Uông Bí, T.Quảng Ninh
Chịu trách nhiệm: Ông Lê Tiến Dũng         Trưởng ban

Điện thoại: 02033 854 153                  Fax: 02033 854 153

Email: bqlyentu@gmail.com              Website: http://banquanlyyentu.vn

 

Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.

Thiết kế bởi: Viện Công Nghệ Viễn Thông Email: info@vnitt.ac.cn | Điện thoại: 08.39972030