TIN TỨC

Chùa Đồng, Yên Tử hơn 360 ngày thi công

(Thanh tra)- Trăm năm tích đức tu hành/Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu. Cứ Tết đến, Xuân về, mỗi người con đất Việt, ai cũng muốn được đến với Kinh đô Phật giáo Việt Nam, thắp một nén hương thơm để tỏ lòng thành kính với Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông.

.

Chùa Đồng, Yên Tử hơn 360 ngày thi công
 

Để có được ngôi chùa Đồng, đẹp và vững chãi như bây giờ là một kỷ lục đáng ghi nhớ của quá trình xây dựng.

Nhiều lần trùng tu

Chùa Đồng còn có tên khác là Thiên Trúc Tự (chùa cõi Tây phương Thiên Trúc) nằm ở vị trí cao nhất của núi Yên Tử. Trên độ cao 1.068m, đây là ngôi chùa nằm ở vị trí cao nhất Việt Nam. 

 Đầu tiên chùa Đồng do một bà phi của chúa Trịnh dựng vào thời hậu Lê (thế kỷ 17). Ngôi chùa đặc biệt ở chỗ là đã được đúc bằng đồng khác hẳn với chất liệu gỗ lim như những ngôi chùa khác của Việt Nam lúc bấy giờ. Ở giai đoạn nguyên khởi này thì ngôi chùa chỉ là một cái khám nhỏ nhắn ngay cả một người chui không lọt.

Theo thời gian cho đến năm Canh Thân 1740, đời vua Lê Cảnh Hưng tương truyền kể lại, thì có một cơn bão làm bật mái chùa. Chính vì điều này thì đã làm cho kẻ gian dỡ phần còn lại chỉ để lại dấu tích các hố cột như chôn trên mỏm đá mà thôi.

Cho đến thời điểm vào mùa Đông 1930, người xưa kể lại có bà Bùi Thị Mỹ từ chùa Long Hoa đã tái tạo và phục dựng lại chùa Đồng linh thiêng bằng bê tông cốt đồng để trên một hòn đá vuông vắn và lại như cao quá đầu người ở vị trí chùa Đồng cũ.

Vào năm 1993 thì một người tên Nguyễn Sơn Nam – Việt kiều ở Mỹ, đã cùng các phật tử ở hải ngoại phát tâm đúc lại ngôi chùa mới kiến trúc hình chữ Đinh quen thuộc trong lối kiến trúc chùa ở Việt Nam. Tuy nhiên chữ Đinh này lại được thiết kế theo dáng một bông sen nở với những cánh thắm đẹp tự nhiên nhất. Bông sen nở như đã ngự trên sập đồng chân quỳ dạ cá được trổ hình hoa sen cách điệu tuyệt đẹp và đã được đặt ngay bên cạnh ngôi chùa Đồng bằng vật liệu bê tông xây dựng đầu thế kỷ XX.

Xây dựng bằng nguồn công đức

Nhận thấy, tại đỉnh thiêng Yên Tử cần phải có một ngôi chùa tương xứng, đảm bảo về tính thẩm mỹ, tâm linh và phù hợp với cảnh quan.  Vì vậy,Ban trị sự Phật giáo  Quảng Nnh đã quyết tâm huy động công đức để xây dựng ngôi chùa như hiện nay.

Được sự đồng thuận của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh và bà con phật tử trong và ngoài nước.

Ngày 28/8/2005, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 3325/QĐ-UB phê duyệt dự án đầu tư tôn tạo cũng như phục dựng tại chùa Đồng tại khu di tích Yên Tử, TP Uông Bí.

Sau quá trình chuẩn bị công phu, kỹ càng, ngày 8/5/2006 (ÂL) chính thức khởi công xây dựng chùa Đồng, do Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh làm chủ đầu tư.

Thời điểm đó, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh mới được thành lập, vừa tập trung cho công tác nhân sự, vừa phải huy động nguồn công đức để đảm bảo kinh phí cho công tác xây dựng, nên gặp rất nhiều khó khăn.

.Chùa Đồng, Yên Tửđược Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là ngôi chùa đồng lớn nhất và nằm ở độ cao nhất cuả nước ta. Chùa cũng được xếp vào hàng độc đáo có một không hai trên thế giới. Cao hơn nữa ngôi chùa linh thiêng này lại được được ví như một“kỳ quan mới”tại khu Danh thắng Yên Tử. Hiện nay ngôi chùa cổ kính linh thiêng này đang nắm giữ rất nhiều những kỷ lục và chưa có một ngôi chùa Việt Nam nào có thể “vượt mặt”...

Không điện, không có cáp treo, không có nước sinh hoạt, nằm ở độ cao trên 1 ngàn mét, so với mực nước biển. Đó là những thử thách đầu tiên của những người thợ phải đối mặt khi xây dựng chùa Đồng.

Từ khoảnh đất chỉ rộng có 2m2 những người công nhân xây dựng đã tạo được một mặt bằng rộng 19m2 để làm móng đỡ chùa. Nền đá cứng bị phong hoá lâu năm khiến cho việc đập, khoan vào lòng núi trở thành một thử thách cam go. Máy khoan vượt núi phục vụ làm việc rất hạn chế nên đập đá bằng tay phổ biến và thông dụng hơn.


Gạch đá, cát sỏi, ximăng để xây dựng các hạng mục như nhà ghi công đức, sân hành lễ, am hoá sớ, móng và sân chùa... hầu như đều được vận chuyển theo đường bộ.

Lực lượng lao động địa phương thạo đường núi phải gùi vật liệu từ chân núi lên tận đỉnh núi. Những lúc thi công cao điểm, có tới 80-90 người gánh thuê với mức tiền công là 3.000 đồng/kg.

 

Tiếp đến là phương án thi công được đưa ra khi UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt dự án tôn tạo di tích chùa Đồng. Làm thế nào để có thể chuyển những chi tiết chùa từ mặt đất lên đỉnh núi và lắp ghép lại? Các phương án vận chuyển bằng đường bộ, dây cáp ròng rọc, thậm chí cả máy bay trực thăng đều đã được tính tới.

Cuối cùng, phương án vận chuyển bằng dây cáp ròng rọc do Cty TNHH Trường Thịnh (TPHCM) tư vấn và thiết kế đã được coi là phương án khả thi nhất. "Bông sen vàng trên đỉnh núi thiêng" nặng hơn 70 tấn và được hợp thành từ 6.000 chi tiết khác nhau cũng đạt thêm một kỷ lục về sự phức tạp khi lắp ghép.

 

Thời tiết khắc nghiệt trên non thiêng, nắng, mưa thất thường, đặc biệt là sấm, sét, nên nhiều thợ đồng thi công nhụt chí. Bởi, đồng là chất liệu dễ tích điện.

Anh Nguyễn Mạnh, quê Nam Định nhớ lại: Có lúc tôi đã bỏ về không muốn tiếp tục thi công công trình chùa Đồng nữa, vì quá nguy hiểm, nặng nhọc. Bởi tất cả các hạng mục đều làm bằng thủ công, sợ nhất là bị điện giật. Nhưng, do có niềm tin vào đức Phật, nên tôi quay lại để tiếp tục công việc, vì tôi là thợ cả.

Anh Hoài Nam, tổ thi công chùa Đồng cho biết, bây giờ nghĩ lại mới thấy quá trình thi công chùa Đồng thật gian nan. Chị thử tưởng tượng (PV), với gần 6 ngàn cấu kiện đồng, nặng hàng trăm tấn mà vận chuyển thủ công, thì vất vả biết chừng nào. Từ những viên ngói, gạch lát nền cho đến những cây cột, kèo lớn đều được cân, đo, đong đếm từng ly để bảo đảm về mặt thẩm mỹ giống như trong thiết kế ban đầu Được sự động viên của các chư tăng trong Giáo hội và các cấp chính quyền, nên chúng tôi động viên nhau hoàn thành công việc.

Quả không phụ lòng người, sau gần 360 ngày thi công liên tục, ngôi chùa bằng đồng kỷ lục đã được khánh thành vào ngày 12/12/ năm 2006 (âm lịch) với tổng số tiền trên 21,2 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Ngay trong ngày khánh thành chùa Đồng, lượng tiền công đứcthu được  lên tới hơn 2,5 tỉ đồng.

 Trong tổng kinh phí 21,2 tỉ đồng xây dựng chùa Đồng, thì số tiền công đức của con nhang phật tử là hơn 11 tỉ. Điều này chứng tỏ mức độ "xã hội hoá" của công trình này được coi là tiêu biểu, mẫu mực cho chủ trương xã hội hoá các công trình tâm linh cũng như quan điểm về tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước ta.

Hàng vạn người dân, du khách, chư tăng ni trong cả nước mừng vui, hoan hỷ chào đón sự kiện lớn tại Danh thắng Yên Tử.

Lần đầu tiên (ngày 10/1/2007-ÂL), đúng ngày khai hội Xuân Yên Tử, nơi đây đón 7 vạn du khách. Từ đó, đến nay, lượng khách về Yên Tử năm sau cao hơn năm trước.

Mái chùa bằng đồng mang kiến trúc thời Trần
 

Mênh mênh mang mang phù vân Yên Tử/Vi vi vu vu Trúc Lâm  thiền tự… Trong tiếng nhạc thiền, giữa núi rừng Yên Tử, du khách như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Lòng người cảm thấy diệu vợi, nhẹ nhõm… khi được đặt chân lên đỉnh non thiêng. Họ như được tiếp thêm năng lượng để tiếp tục hành trình trên con đường mưu sính cho một một cuộc sống âm no, hạnh phúc.

Bởi, từ lâu, người ta vẫn nghĩ rằng, chùa Đồng giá trị không chỉ ở chất liệu đồng. Đồng ở đây còn có nghĩa là chữ "đồng" trong quan niệm người Việt - đồng lòng, đồng nhất, đồng chí, đồng tâm hiệp lực. Trong thời đại mới, chữ "đồng" với ý nghĩa "đại đoàn kết" vẫn luôn là bài học của cả dân tộc.

Bài 2: Chuyện ít biết về bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông

Theo:Thanh Uyên/  báo Thanh tra

In bài viết    Quay lại
Các tin đã đăng
 

DANH MỤC

WEBSITE SỞ NGÀNH

SỐ LƯỢT TRUY CẬP SỐ LƯỢT TRUY CẬP

Tổng số lượt truy cập 19.412.973
Trong ngày 11710
Số người online 200

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

BAN QUẢN LÝ DI TÍCH VÀ RỪNG QUỐC GIA YÊN TỬ


Giấy phép hoạt động số 06/ GPTTĐT_ STTTT ngày 22 tháng 4 năm 2019 của Sở TTTT tỉnh Quảng Ninh
Cơ quan chủ quản: Bản quản lý Yên Tử
Địa chỉ: Dốc đỏ, P.Phương Đông, TP.Uông Bí, T.Quảng Ninh
Chịu trách nhiệm: Ông Lê Tiến Dũng         Trưởng ban

Điện thoại: 02033 854 153                  Fax: 02033 854 153

Email: bqlyentu@gmail.com              Website: http://banquanlyyentu.vn

 

Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.

Thiết kế bởi: Viện Công Nghệ Viễn Thông Email: info@vnitt.ac.cn | Điện thoại: 08.39972030