Thư viện hình ảnh -
Chi tiết bài viết -

Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử: Hồn Việt, nét Trần

Với sự hình thành và đi vào hoạt động công trình Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử đã không chỉ thay đổi bộ mặt cơ sở hạ tầng của Yên Tử mà còn tăng thêm hàm lượng nội dung văn hóa lịch sử di tích Yên Tử.

Yên Tử được biết đến là báu vật vô giá và là niềm tự hào không chỉ của người dân Quảng Ninh mà là của cả nước. Sách kinh điển xưa đã ghi nhận Yên Tử là 1 trong “tứ phúc địa của Giao Châu”, vùng đất của “địa linh – nhân kiệt” chứa đựng những giá trị cốt lõi nổi bật về lịch sử, văn hóa, tâm linh của người Việt và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Đặc biệt, từ hơn 700 năm qua, Yên Tử gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông, một trong những vị vua anh minh, anh hùng trong lịch sử các triều đại Việt Nam, người tu hành đạt giác ngộ Phật tại Yên Tử, Tổ sáng lập của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, dòng thiền mang đậm bản sắc Việt.

Yên tử là 1 trong “tứ phúc địa của Giao Châu”, vùng đất của “địa linh- nhân kiệt” chứa đựng những giá trị cốt lõi nổi bật về lịch sử, văn hóa, về tâm linh của người Việt và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.
Yên Tử là di tích nổi bật về lịch sử, văn hóa, tâm linh của người Việt và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.

Năm 2018, với sự hình thành và đi vào hoạt động công trình Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, một không gian hoàn toàn mới do Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đầu tư, kiến trúc sư tài ba của thế giới Bill Bensley thiết kế đã không chỉ thay đổi bộ mặt cơ sở hạ tầng của Yên Tử mà còn tăng thêm hàm lượng nội dung văn hóa lịch sử cho toàn bộ quần thể nơi đây, làm đầy giá trị vùng lõi của di tích Quốc gia đặc biệt này.

Từ đầu năm đến nay, nhiều hoạt động văn hóa lớn của tỉnh, trong đó có Lễ hội khai xuân Yên Tử và Lễ hội hoa Anh đào – Mai vàng Yên Tử, nằm trong nhóm sự kiện mở đầu Năm Du lịch quốc gia 2018 tại Quảng Ninh đã diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, mang đến cho du khách những xúc cảm mạnh mẽ, mới lạ và khác biệt.

Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử mở ra một không gian hoàn toàn mới
Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử mở ra một không gian hoàn toàn mới ở Yên Tử.

Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử là công trình tái hiện lại không gian xưa – thời Trần, thế kỷ 13, mang “hồn Việt, nét Trần” với tinh thần Thiền. Đó là một sự bổ sung hài hòa và tôn thêm cho Yên Tử linh thiêng – nơi tổng hòa của tinh thần Phật giáo, lịch sử – văn hóa và thiên nhiên. Những cửa vòm mang hình ảnh Tháp tổ, những mái ngói như đã cũ, những bức tường dày… khiến người xem thấy được độ “võng” của thời gian, màu của thời gian…, cứ như công trình đã tồn tại ở đây từ rất lâu rồi. Nét kiến trúc đời Trần hiện diện ở Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử rất đơn giản, mộc mạc, nhưng thể hiện đầy đủ cái hồn của văn hóa Việt, mang những nét đặc trưng của thời Trần.

Tổng thể công trình Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử có 11 hạng mục/tổ hợp chính, bao gồm: Gương Kính Tâm, Tam quan Khai Tâm, Vườn tùng La Hán, Hồ Tĩnh Tâm, Quảng trường Minh Tâm, Vườn Hoa Tâm, Cung Trúc Lâm, Phật điện, Dưỡng chân Tâm, Làng Hành hương, Không gian ký ức Trần Nhân Tông. Nét khác biệt là các hạng mục nằm trên “trục Tâm Đạo” (đường thẳng nối từ chính giữa Cổng tam quan Khai Tâm với Cung Trúc Lâm) đều được đặt tên có chữ “Tâm” và mang ý nghĩa sâu sắc. Điều này xuất phát từ quan niệm của Phật giáo nói chung và của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng là “Phật tại tâm”, đồng thời cho thấy hành trình giác ngộ của Phật tử Trúc Lâm.

Trung tâm văn hóa Trúc Lâm là công trình đã tái hiện lại không gian xưa - thời Trần, thế kỷ 13, mang “hồn Việt, nét Trần”
Tổng thể công trình Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử được xây dựng theo lối kiến trúc đời Trần.

Có thể xem Tam quan Khai Tâm là bộ mặt chính, có tính biểu tượng của Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, là nơi đầu tiên du khách đến với trung tâm Khu Di tích và Danh thắng Yên Tử. Tam quan Khai Tâm mang cảm hứng từ các tam quan truyền thống của người Việt và mẫu kiến trúc ở tháp Huệ Quang với cổng vòm, tường dày, mái ngắn, lợp bằng ngói cánh sen đã sẫm màu thời gian. Dọc theo hai bên lối đi là hàng cột gỗ lim lớn; trần nhà được làm theo kiểu đấu củng – một lối kiến trúc truyền thống của chùa Việt, làng quê Việt. Tam quan khởi đầu từ ba lối, chia làm hai ngả rồi nhập vào làm một ở phía cuối công trình, thể hiện triết lý của Đạo Phật: Mọi nẻo đường tu đều dẫn đến giác ngộ và giải thoát, trong một hành trình trở về với bản Tâm chân thực của chính mình.

Gương Kính Tâm tọa lạc ở vị trí trung tâm, trang trọng nhất của Tam quan Khai Tâm, thể hiện một cách trực quan, sinh động triết lý sâu xa mà gần gũi là “soi sáng lại chính mình”, vốn là pháp yếu của Thiền tông nói chung và của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng. Theo quan niệm của nhà Phật, Phật ở trong tâm, chỉ vì vô minh nên chúng sinh mới đi tìm Phật ở bên ngoài mình. Đây cũng là nơi du khách có thể dừng chân chụp ảnh để kỷ niệm một chuyến trở về với chốn Tổ Trúc Lâm, cõi Phật của Việt Nam.

Du khách thả hoa đăng ben hồ Tĩnh Tâm
Du khách thả hoa đăng trên Hồ Tĩnh Tâm, mặt nước phẳng như tâm mỗi người ở trạng thái tĩnh.

Hồ Tĩnh Tâm là nơi tụ thủy, mặt nước hồ luôn phẳng lặng, giống với tâm người ở trạng thái tĩnh, an định, buông thư và thanh tịnh, ngoài là một khung cảnh thiền còn tạo cảnh quan để có thể tổ chức các đêm hội hoa đăng Yên Tử.

Lễ đài Minh Tâm được xây dựng bằng hàng chục vạn mét khối đất đá, nâng độ cao của mặt sân cỏ cao hơn 10m so với nền đất cũ. Đây là nơi tốt nhất để ngắm nhìn bao quát toàn cảnh công trình Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, các điểm di tích và rừng quốc gia Yên Tử, cũng có thể tổ chức những sự kiện lớn với hàng vạn người tham dự, tham gia các hoạt động của cộng đồng.

Trên trục Tâm Đạo còn có hạng mục Hồ Ngoạn Nguyệt vốn là nơi tụ thủy của thung lũng Giải Oan. Ngoài việc tạo cảnh quan và môi trường sinh thái, hồ là nơi giao lưu, biểu diễn nghệ thuật, phục vụ quý khách về Yên Tử. Vườn tùng La Hán trồng 108 cây tùng La Hán, loại cây được ví với khí tiết anh hùng, thanh cao của hiền nhân quân tử. Đây cũng là loại cây có nhiều linh khí, xua tan những điều xui xẻo, đem lại sự may mắn, an lành, thịnh vượng, vinh hoa, phú quý đến mọi người. Con số 108 theo quan niệm nhà Phật là tròn trịa và đầy đặn. Đến Vườn tùng La Hán sẽ có cảm nhận 108 vị La Hán không ở nơi cao xa nào đó mà đang ở rất gần, hòa cùng và dõi theo mỗi người trên đường hành hương lên Yên Tử, trên bước đường tạo phúc, tích đức.

mái ngói như đã cũ, có độ võng của thời gian, những bức tường dày, chúng ta như nhìn thấy màu của thời gian và những nét chấm phá đặc sắc về văn hóa của cha ông để lại. Du khách đến đây sẽ cảm nhận thấy cái hồn của văn hóa Việt, thấy được lại những nét kiến trúc rất đơn giản mộc mạc nhưng mang những nét đặc trưng của thời Trần, cảm nhận như là công trình đã tồn tại ở đây....từ rất lâu.
Một góc nhỏ thuộc Làng Hành hương. Ảnh Thu Hương

Làng Hành hương là hạng mục mang nhiều dấu ấn của Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử. Đi vào hoạt động từ mùng 1 Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, làng bao gồm 50 ngôi nhà, Trung tâm sinh hoạt cộng đồng, chợ quê vùng Đồng bằng Bắc bộ, các cửa hàng làng nghề truyền thống… được xây bằng gạch đất nung, lợp bằng ngói âm dương và hệ thống cửa đều bằng gỗ lim, nhìn rất cổ kính.

Theo nhiều du khách, “hồn cốt” của Làng Hành hương không chỉ nằm ở những giá trị văn hóa vật thể mà là những hoạt động diễn ra tại làng, nhằm tái hiện vẻ đẹp chân thực và lan tỏa các giá trị văn hóa, tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông và lịch sử nhà Trần. Đó là hoạt động biểu diễn ca múa nhạc, nhạc cụ dân tộc, hát chèo, xẩm, múa bài bông, trình diễn nghệ thuật thư pháp… tại Trung tâm sinh hoạt cộng đồng; thưởng thức các món ăn dân dã mang đậm nét truyền thống tại chợ quê; hoạt động giới thiệu, trải nghiệm các sản phẩm, quy trình sản xuất tại các làng nghề, trực tiếp giao lưu với các nghệ nhân… Thêm một điều thú vị nữa là du khách có thể trải nghiệm cảm xúc đêm tại Làng Hành hương, trong những căn phòng nhỏ, có nội thất tinh xảo, ấm áp, thơm mùi gỗ mà giá phòng cũng hết sức phải chăng.

Một du khách bình yên thưởng trà tại một góc chợ quê Làng Hành Hương
Du khách thưởng trà tại một góc chợ quê Làng Hành hương.

Công trình Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử là thành quả của quá trình lao động, cống hiến, sáng tạo, trách nhiệm và tình yêu của rất nhiều người, từ những người thợ thi công đến đội ngũ chuyên gia thiết kế, giám sát… Họ đã có hàng trăm lần đi, về những làng nghề truyền thống khắp cả nước để tìm kiếm vật liệu, làm thử, đặt hàng. Hàng ngàn bản vẽ thiết kế được làm đi, làm lại với sự trăn trở của cả chủ đầu tư và kiến trúc sư. Hàng vạn khối đá, gạch, ngói, gỗ… với những chất liệu truyền thống lâu đời, cổ xưa đã được chọn lọc và huy động cho công trình. Toàn bộ nguyên vật liệu của công trình đều được đặt làm riêng và làm thủ công theo đúng thiết kế của Bill Bensley. Tổng mức đầu tư các công trình tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử do Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đầu tư đã lên đến 2.000 tỷ đồng, cao nhất trong số các công trình văn hóa từ trước đến nay của tỉnh Quảng Ninh.

Theo: Việt Hoa/ Báo Quảng Ninh

In bài viết    Quay lại
Các tin đã đăng
 

Tổng số lượt truy cập 19.415.987
Trong ngày 14034
Số người online 199

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

BAN QUẢN LÝ DI TÍCH VÀ RỪNG QUỐC GIA YÊN TỬ


Giấy phép hoạt động số 06/ GPTTĐT_ STTTT ngày 22 tháng 4 năm 2019 của Sở TTTT tỉnh Quảng Ninh
Cơ quan chủ quản: Bản quản lý Yên Tử
Địa chỉ: Dốc đỏ, P.Phương Đông, TP.Uông Bí, T.Quảng Ninh
Chịu trách nhiệm: Ông Lê Tiến Dũng         Trưởng ban

Điện thoại: 02033 854 153                  Fax: 02033 854 153

Email: bqlyentu@gmail.com              Website: http://banquanlyyentu.vn

 

Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.

Thiết kế bởi: Viện Công Nghệ Viễn Thông Email: info@vnitt.ac.cn | Điện thoại: 08.39972030