Thư viện hình ảnh -
Chi tiết bài viết -

10 năm Khu Di tích Yên Tử được Thủ tướng Chính phủ công nhận Khu Di tích Quốc gia đặc biệt

Ngày 27/9/2012, Khu Di tích Danh thắng Yên Tử được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1419/QĐ-TTg. Trong 10 năm được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt, khu Di tích Yên Tử đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Nhân kỷ niệm 10 năm Khu di tích Yên Tử được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, phóng viên Trung tâm Truyền thông và văn hoá thành phố có cuộc trao đổi với ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử.

Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử. 

PV: Xin chào ông Lê Tiến Dũng. Xin ông cho biết những giá trị của Di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử?

Ông Lê Tiến Dũng: Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử có rất nhiều giá trị trên nhiều phương diện, đặc biệt là giá trị văn hóa của danh thắng và không gian tâm linh.

Yên Tử là khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học có giá trị xây dựng và phát triển loại hình du lịch sinh thái. Trên đất Quảng Ninh và một số tỉnh vùng Đông Bắc nước ta, hiếm có nơi nào còn giữ được rừng tự nhiên như Yên Tử. Yên Tử có cảnh đẹp kỳ vĩ, rừng trên núi tạo nên vẻ huyền bí, linh thiêng. Cùng với đó là thác đổ suối reo, tùng, thông, rừng Trúc xanh, mai vàng rực rỡ  - những loài cây "thiêng" trong quan niệm tín ngưỡng ở Việt Nam... Thảm thực vật phong phú ở Yên Tử với khung cảnh rừng núi hoang sơ, hùng vĩ tựa bức tranh "sơn thủy hữu tình". Nơi đây, các di tích chùa - tháp nằm ẩn khuất trong khu rừng già có khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới. Rừng tự nhiên ở Yên Tử giống như “mái nhà” che chở, bảo vệ an toàn cho di tích. Ngược lại, quần thể di tích độc đáo đã tôn thêm giá trị của cảnh sắc thiên nhiên. Rừng và di tích tạo nên sức hấp dẫn tuyệt vời cho Yên Tử, xứng đáng là một "danh sơn".   

Chính vẻ đẹp huyền diệu của cảnh sắc thiên nhiên hài hoà trong không gian tâm linh đã khiến Yên Tử trở nên hấp dẫn đối với du khách thập phương. Yên Tử là di tích quốc gia đặc biệt, có vị thế lớn lao trong tình cảm, tâm hồn người Việt Nam và sự ngưỡng mộ của du khách quốc tế. Cùng với quần thể di tích nhà Trần ở Đông Triều, khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến thắng Bạch Đằng ở thị xã Quảng Yên, Đền Cửa Ông ở thành phố Cẩm Phả, di tích Thương cảng Vân Đồn, chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc ở Chí Linh, Hải Dương... khu di tích Yên Tử có thể trở thành điểm nhấn nhiều giá trị trong hành trình tham quan và hành hương của du khách thập phương trong và ngoài nước tới vùng đông bắc Việt Nam.

Yên Tử gắn liền với diễn biến lịch sử huy hoàng của triều Trần, với tên tuổi và công lao trị nước, hành trình tu thiền của vua Trần Nhân Tông. Yên Tử là nơi Vua Trần Nhân Tông hóa Phật, nơi khai sinh Thiền phái Trúc Lâm, một thiền phái Phật giáo riêng có, mang đậm bản sắc văn hoá của người Việt.

Yên Tử là một quần thể di tích lịch sử, văn hóa tâm linh nổi tiếng của cả nước, là một kho tàng lịch sử và truyền thuyết phong phú, hấp dẫn. Yên Tử còn lưu những dấu tích văn hóa thời Lý, Trần và các dấu ấn lịch sử, văn hóa, văn minh qua các thời đại. Hệ thống chùa, am, tháp, tượng, bia ký... của các thời: Lý, Trần, Lê, Nguyễn ở nơi đây rất phong phú, đa dạng, vẫn còn đến ngày nay. Đây là những di sản văn hóa vô giá của dân tộc, thể hiện tâm hồn, tư tưởng, cốt cách văn hóa của người Việt. Yên Tử là cái nôi, là trung tâm Phật giáo của quốc gia Đại Việt. Sự xuất hiện, tồn tại và phát triển của giáo lý Tam Tổ Trúc Lâm là sự phát triển về triết lý sống nói riêng và hệ tư tưởng của Đại Việt trong thế kỷ XIII -XIV, khơi dậy sức sống tinh thần, những giá trị văn hóa tích cực, ưu việt của Thiền phái Trúc Lâm, gắn bó mật thiết giữa đạo pháp với dân tộc, xây dựng nền đạo đức xã hội hướng thiện, nhân văn. Những giá trị tinh hoa của văn hóa dân tộc đã được biểu trưng ở quần thể di tích Yên Tử, nêu cao tinh thần hòa giải và yêu thương trong xã hội, tư tưởng này đã tỏa sáng qua các thời kỳ lịch sử Việt Nam.

PV: Với những giá trị nổi bật của Khu di tích Quốc gia đặc biệt, xin ông cho biết trong 10 năm qua, khu Di tích Yên Tử đã được quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị như thế nào?

Ông Lê Tiến Dũng: Sau 10 năm khu Di tích Yên Tử được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, khu Di tích đã đón hơn 11 triệu lượt khách, trong đó có hơn 900 nghìn khách nước ngoài về Yên Tử; quản lý, bảo vệ an toàn 2.783 héc-ta Rừng Quốc gia Yên Tử; trồng 43,5 héc-ta thông nhựa; tổ chức nhiều Hội thảo khoa học; chăm sóc, bảo tồn, ươm giống cây xích tùng, cây mai vàng Yên Tử; lập hồ sơ “Cây di sản Việt Nam”.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Rừng Quốc gia Yên Tử và hơn 20 hạng mục công trình tại Yên Tử, trong đó có việc triển khai thi công đúc dựng Bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, tôn tạo chùa Bảo Sái, trùng tu chùa Một Mái; xây dựng khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 5 sao dưới chân núi Yên Tử; xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp; lập website tuyên truyền, quảng bá về khu di tích Yên Tử; tiếp tục sưu tầm, tập hợp, bảo quản cổ vật, hiện lưu giữ 803 hiện vật có giá trị; tổ chức  nhiều hoạt động văn hóa - tín ngưỡng, tôn giáo tại Yên Tử hằng năm; cung cấp tư liệu phục vụ việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Quần thể Di tích Yên Tử là Di sản thế giới.

PV: Xin ông cho biết, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, trong những năm tiếp theo, Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử sẽ tập trung vào nhiệm vụ, giải pháp nào để nâng tầm giá trị khu di tích?

Ông Lê Tiến Dũng: Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, trong thời gian tới, Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Một là, nâng cao nhận thức về giá trị di tích và ý thức chấp hành pháp luật v bảo vệ di tích trong cộng đồng. Cụ thể là xây dựng nội dung tuyên truyền pháp luật về di tích một cách ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, thể hiện ở nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với từng đối tượng. Phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ Di tích với phương châm “đưa di tích về cộng đồng”. Khuyến khích người dân địa phương tham gia vào việc quản lý, bảo vệ di tích, coi trọng giải quyết các mối quan hệ giữa trách nhiệm và lợi ích của cộng đồng cư dân trong toàn bộ các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Bên cạnh đó, tuyên truyền nhằm xây dựng, vun đắp giá trị bền vững, “sự linh thiêng của danh sơn Yên Tử” để vừa tạo ra nét riêng biệt của di tích, vừa tiếp tục thu hút du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái.

Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên của Ban nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật tiếp thu kiến thức mới áp dụng vào việc quản lý Di tích trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Chú trọng xây dựng đội ngũ thợ lành nghề tham gia các hoạt động bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích. Đồng thời, thường xuyên tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật về di sản cho những người trực tiếp tham gia trông coi, bảo vệ di tích.

Ba là, tập trung thu hút, kêu gọi nguồn đầu tư từ xã hội, các nguồn tài trợ,  phục vụ công tác quy hoạch, tu bổ, tôn tạo, bảo vệ di tích.

Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành, đề xuất bổ sung hoàn thiện hoặc ban hành mới các văn bản quy định thuộc thẩm quyền của Ban về công quản lý Di tích phù hợp với tình tình thực tế.

Năm là, luôn thận trọng, căn cơ, trách nhiệm trong thực hiện việc tu bổ, tôn tạo các hạng mục của khu di tích nhằm bảo vệ tối đa các yếu tố gốc làm nên giá trị của di tích.

Sáu là, tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, văn minh thương mại, văn minh lễ hội, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường của di tích, để Linh Sơn Yên Tử luôn xứng đáng là nơi Phúc Địa, ngọn núi thiêng trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi của chúng tôi.

Theo: Kim Thuỷ/ Trang TTĐT thành phố Uông Bí (Thực hiện)

In bài viết    Quay lại
Các tin đã đăng
 

Tổng số lượt truy cập 20.644.312
Trong ngày 17558
Số người online 204

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

BAN QUẢN LÝ DI TÍCH VÀ RỪNG QUỐC GIA YÊN TỬ


Giấy phép hoạt động số 06/ GPTTĐT_ STTTT ngày 22 tháng 4 năm 2019 của Sở TTTT tỉnh Quảng Ninh
Cơ quan chủ quản: Bản quản lý Yên Tử
Địa chỉ: Dốc đỏ, P.Phương Đông, TP.Uông Bí, T.Quảng Ninh
Chịu trách nhiệm: Ông Lê Tiến Dũng         Trưởng ban

Điện thoại: 02033 854 153                  Fax: 02033 854 153

Email: bqlyentu@gmail.com              Website: http://banquanlyyentu.vn

 

Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.

Thiết kế bởi: Viện Công Nghệ Viễn Thông Email: info@vnitt.ac.cn | Điện thoại: 08.39972030