Thư viện hình ảnh -
ENGLISH

Yên Tử luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của khu di tích.

  1. Thực trạng Khu Di tích  Yên Tử trước năm 1992

Từ năm 1992 về trước, công tác quản lý, bảo vệ Khu Di tích Yên Tử  chưa được quan tâm đúng mức, công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Khu Di tích Yên Tử gặp rất nhiều khó khăn. Trải qua thời gian, hầu hết các công trình kiến trúc chùa, tháp trong Khu Di tích Yên Tử xuống cấp hoặc chỉ còn là phế tích. Rừng Yên Tử bị khai thác, tàn phá nặng nề.

  1. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của các cấp các ngành đối với Khu Di tích lịch sử  và Danh thắng Yên Tử:

Với những giá trị đặc biệt quan trọng của Yên Tử, sau khi khảo sát khoanh vùng di tích, Nhà nước đã có quyết định số 15/VH-QĐ ngày 13/3/1974 công nhận Khu Di tích lịch sử - Danh thắng Yên Tử là Di tích Quốc gia.

Năm 1981, UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ VHTT – TT tổ chức Hội thảo khoa học lần thứ nhất về Yên Tử, tập hợp các chuyên gia đầu ngành, các nhà nghiên cứu khảo cổ học, sử học, địa lý, những nhà văn hóa và các cán bộ khoa học ngành lâm nghiệp, các nhà báo, nhà văn, giới tu hành để đánh giá thực trạng của di tích Yên Tử và khẳng định những giá trị to lớn về nhiều mặt của Di tích lịch sử - Danh thắng Yên Tử. Tuy nhiên, từ sau Hội nghị khoa học về Yên Tử năm 1981, đất nước ta gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Nhận thức về bảo tồn, tôn tạo, trùng tu các di tích và phát huy các giá trị của di tích còn nhiều hạn chế. Suốt 10 năm (1981-1991), công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của Di tích lịch sử- Danh thắng Yên Tử không có sự chuyển biến nào đáng kể. Bằng nguồn vốn công đức đã tôn tạo bảo tồn một số di tích: Huệ Quang Kim Tháp (1988), chùa Bảo Sái (1989), chùa Một Mái (1991). Rừng Yên Tử bị tàn phá nghiêm trọng.

Năm 1992, Dự án trùng tu, tôn tạo cấp thiết các công trình kiến trúc chùa, am, tháp ở Yên Tử được các cấp phê duyệt, đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước.

Ngày 28/9/1992, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh quyết định thành lập Ban Quản lý Di tích lịch sử và Danh thắng Yên Tử (cơ quan tiền thân của Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử).

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ III diễn ra tại Hà Nội vào đầu tháng 11 năm 1992 công nhận Yên Tử là Trung tâm Phật giáo của Việt Nam. Hơn 400 Tăng, Ni, Phật tử dự Đại hội hành hương về Yên Tử.

Với các sự kiện trên, tinh thần Hội nghị khoa học về Yên Tử (1981) mới đi vào thực tiễn để những giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể vốn có của Danh sơn Yên Tử được phát huy mạnh mẽ trong đời sống văn hoá, xã hội của đất nước. Đây là mốc thời điểm có ý nghĩa to lớn, mở ra một bước phát triển mới của Khu Di tích lịch sử - Danh thắng Yên Tử trong giai đoạn tiếp theo.

3. Công tác trùng tu tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị của khu di tích Yên Tử

3.1. Giai đoạn 1992 - 2012:

Ngày 01/11/1992, Ban Quản lý Di tích lịch sử và Danh thắng Yên Tử chính thức hoạt động với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, giữ gìn Di tích, hoạt động dịch vụ, hướng dẫn khách thăm quan du lịch và nhân dân đến thăm chùa. Ban Quản lý Yên Tử là một đơn vị sự nghiệp có thu. Thời gian đầu, khi mới thành lập, đội ngũ cán bộ nhân viên làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích còn mỏng, môi trường công tác còn nhiều khó khăn gian khổ, thiếu thốn về cả vật chất, văn hoá và tinh thần, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn. Nhưng tập thể Ban đã luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, từng bước củng cố, tăng cường số lượng, cũng như chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức, lao động, bộ máy tổ chức để đáp ứng với nhiệm vụ được giao, tích cực tham mưu và triển khai có hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Khu Di tích Yên Tử.

      Ngày 9/8/1986 chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng (Nay là Chính Phủ) đã ra Quyết định số 194/CT "V/v xây dựng Yên Tử là Rừng cấm Quốc gia". Ngày 10/4/1996, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định số 783/QĐ-UB phê duyệt Dự án Rừng đặc dụng Yên Tử. Ban Quản lý Rừng đặc dụng Yên Tử được thành lập. Ngày 21/7/1996, UBND thị xã có quyết định số 237 QĐ/UB "V/v ban hành quy định bảo vệ Rừng đặc dụng Yên Tử". 

          Trong thời gian từ 1992 – 1999 đã có 50 hạng mục công trình được tu bổ, tôn tạo với tổng giá trị đầu tư là 38.857.950.000 đồng. Trong đó, có sự đầu tư của Nhà nước và nguồn xã hội hóa công đức của thập phương, nguồn thu của Ban Quản lý Yên Tử. Một số công trình xây dựng phục vụ cho nhiệm vụ của Ban Quản lý Yên Tử, được đầu tư kinh phí như: Nhà làm việc và trưng  bày hiện vật tại Giải Oan. Nổi bật trong thời gian này chùa Đồng được tôn tạo mới, do Ông Nguyễn Sơn Nam, một Việt Kiều tại Mỹ, cùng các Phật tử đóng góp công đức tôn tạo chùa bằng đồng trên đỉnh thiêng Yên Tử (1993), đã tạo ra sự hấp dẫn và ngưỡng mộ của du khách thập phương. Chùa Giải Oan cũng được sư bà Chân Đức là Việt Kiều ở Canađa, cùng với các Phật tử trong và ngoài nước công đức, trùng tu từ năm 1994 đến năm 1997 được khánh thành....     

     Tháng 10 năm 1996, Hội nghị về Yên Tử đã được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh và thị xã Uông Bí do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh  cùng với 9 Bộ ngành Trung ương và UBND tỉnh Quảng Ninh đã triển khai Dự án trùng tu tôn tạo Di tích – Danh thắng Yên Tử, tổng vốn đầu tư là 64,5 tỷ đồng trong giai đoạn từ 1997 – 2002 với nhiều hạng mục công trình lớn.    Đây là dự án tu bổ làm tiền đề vững chắc cho sự phát triển của Yên Tử ở giai đoạn thập niên đầu của thế kỷ XXI.

     Trong thời gian này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ thị cho ngành than ngừng việc khai thác than tại một số địa điểm khai trường mỏ ở phía Tây Yên Tử (khu vực Khe Cam, Đèo Gió), mỏ Than Thùng ở phía Đông Yên Tử để bảo vệ cảnh quan môi trường Khu Di tích – Danh thắng Yên Tử.

          Trong thời gian 2000 - 2012, công tác xúc tiến đầu tư cho Khu Di tích lịch sử - Danh thắng Yên Tử, được đẩy mạnh và tăng cường cả về di tích và công tác bảo vệ Rừng đặc dụng Yên Tử. Có 68 hạng mục công trình lớn nhỏ được triển khai với tổng số vốn đầu tư là: 705.986.173.000 đồng. Bao gồm nguồn kinh phí do Nhà nước đầu tư và nguồn kinh phí xã hội hoá như: nguồn kinh phí đầu tư của Công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm, nguồn công đức của khách thập phương do Ban Quản lý Dự án tôn tạo Yên Tử quản lý. Có nhiều công trình, dự án lớn như: Dự án cáp treo I (2001), cáp treo II (2007), dự án nâng cấp cáp treo I (2009), Dự án mở rộng Bến xe Giải Oan và đường vào Nhà ga cáp treo I (2001), cầu đá suối Giải Oan (2001), đường Yên Tử từ Dốc Đỏ vào Bến xe Giải Oan đã được mở rộng và trải nhựa (2004).  Hệ thống các chùa về cơ bản được trùng tu, tôn tạo như: Chùa Vân Tiêu (2001), chùa Lân - Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (2002), chùa Hoa Yên (2002), nhà thờ Mẫu chùa Giải Oan (2003), nhà thờ Tổ chùa Giải Oan (2010), chùa Cầm Thực (2005), dự án chùa Đồng (2005- 2006), chùa Trình (2007), chùa Suối Tắm (2010). Đường hành hương từ chùa Giải Oan lên chùa Đồng (2008), Cầu gỗ qua suối Giải Oan (2008). Hệ thống  đèn chiếu sáng trong Khu Di tích (2010). Chùa Bảo Sái (2011), Bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông (từ 2008-2012) và nhiều công trình khác cũng được triển khai kịp thời để bảo tồn và phát huy những giá trị của Khu Di tích - Danh thắng Yên Tử.

          Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh (2007); Ban Quản lý Dự án tôn tạo Yên Tử (2005) được thành lập đã có nhiều hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng nâng cao vị thế của Yên Tử, thu hút nhiều Phật tử, khách thập phương phát tâm công đức, trùng tu, tôn tạo các di tích tại Yên Tử như Đại Lễ Phật Đản thế giới lần thứ V tổ chức tại Việt Nam đã hội thảo về Phật giáo Việt Nam, về Thiền Trúc Lâm Yên Tử và đã làm lễ cầu nguyện hoà bình thế giới tại Non thiêng Yên Tử (2008). Đại lễ tưởng niệm 700 năm Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn (2008)...

  1. .Giai đoạn 2012 – 2015:

Ngày 27/9/2012, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định số 1419/QĐ-TTg về việc công nhận khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử là di tích quốc gia đặc biệt; Ngày 18/2/2013, Thủ tướng chính phủ ký quyết định số 334/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án mở rộng và phát triển khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử đã tạo ra một hành lang pháp lý quan trọng trông công tác bảo tồn, đầu tư tôn tạo và phát huy giá trị của khu di tích Yên Tử.

Từ đó Yên Tử tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương trong công tác đầu tư, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của khu di tích. Nhiều hội thảo khoa học lớn về Yên Tử được tổ chức, diễn ra đã góp phần làm sáng tỏ những giá trị văn hóa, lịch sử của di tích Yên Tử. Ngày 02/12/2013 Hội thảo khoa học về Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử và công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Yên Tử hiện nay. Qua Hội thảo đã một lần nữa khẳng định những giá trị tích cực của tư tưởng đạo đức, văn hóa, lối sống Phật giáo Trúc Lâm Yên tử trong sự nghiệp công nghiệp hiện đại hóa hóa đất nước – hội nhập Quốc tế và xây dựng nền văn hóa hiện đại tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn hiện nay.

Ngày 10/12/ 2015, tại chùa Trình Yên Tử - thành phố Uông Bí (Quảng Ninh), Ban Hoằng pháp Trung ương (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) và Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học "Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử - Hội tụ và lan tỏa."

 Nhiều hạng mục công trình và hệ thống dịch vụ trong khu di tích đã được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa nhằm phục vụ kịp thời nhu cầu của du khách.

Từ năm 2009 đến 2013 dự án tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông và khu vực quảng trường trên An Kỳ Sinh (độ cao gần 1.000m so với mực nước biển) được chủ đầu tư là Ban trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh triển khai khởi công xây dựng với mức kinh phí trên khoảng 100 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Đến tháng 12/2013 công trình được khánh thành và hoàn thiện phần tượng còn các hạng mục công trình tiếp tục được hoàn thiện dần.

Nhiều dự án được triển khai xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa như: Năm 2013- 2014 Ban trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đầu tư dự án phục hồi tôn tạo chùa Một Mái trên 20 tỷ đồng; trùng tu tôn tạo am thất, mắt rồng tại khu vực Tháp Tổ - chùa Hoa Yên khoảng 25 tỷ đồng; Dự án phim trường cổ trang Việt Nam…

3.3. Giai đoạn 2015 đến nay

Từ năm 2015 đến nay có nhiều dự án, hạng mục công trình vẫn và đang tiếp tục được đầu tư xây dựng nhằm mục đích phát huy giá trị của khu di tích Yên Tử như: Dự án chăm sóc và bảo tồn các cây xích Tùng cổ trong rừng quốc gia Yên Tử được UBND thành phố Uông Bí làm chủ đầu tư với nguồn kinh phí khoảng 27 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa; Khu nội viện chùa Hoa Yên với mức đầu tư khoảng 28 tỷ đồng đã được đư vào sử dụng tháng 7 năm 2016;Dự án mở rộng bến xe quay đầu dốc Hạ Kiệu 1 với diện tích 7,8ha; Bến xe Hạ Kiệu 2 với diện tích 4,6ha; Dự án nâng cấp 02 tuyến cáp treo của Công ty CPPT Tùng Lâm; Dự án hệ thống bảng biển chỉ dẫn trong khu di tích; Dự án khu vực Trung tâm lễ hội…đã góp phần nâng cao vị thế của khu di tích quốc gia đặc biệt và để Yên Tử mãi trường tồn cùng non sông đất nước.

 

                                                                   Phòng NVTT

                                             BQL di tích và Rừng quốc gia Yên Tử

 

Tổng số lượt truy cập 19.350.948
Trong ngày 30627
Số người online 200

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

BAN QUẢN LÝ DI TÍCH VÀ RỪNG QUỐC GIA YÊN TỬ


Giấy phép hoạt động số 06/ GPTTĐT_ STTTT ngày 22 tháng 4 năm 2019 của Sở TTTT tỉnh Quảng Ninh
Cơ quan chủ quản: Bản quản lý Yên Tử
Địa chỉ: Dốc đỏ, P.Phương Đông, TP.Uông Bí, T.Quảng Ninh
Chịu trách nhiệm: Ông Lê Tiến Dũng         Trưởng ban

Điện thoại: 02033 854 153                  Fax: 02033 854 153

Email: bqlyentu@gmail.com              Website: http://banquanlyyentu.vn

 

Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.

Thiết kế bởi: Viện Công Nghệ Viễn Thông Email: info@vnitt.ac.cn | Điện thoại: 08.39972030