Thư viện hình ảnh -
Chi tiết bài viết -

CẢNH QUAN VĂN HÓA TÂM LINH YÊN TỬ

  • GS. TS. Trần Lê Bảo

  • Đại học Sư phạm Hà Nội

 
Trần Lê Bảo. Cảnh quan văn hóa tâm linh Yên Tử
 

TCCSĐT - Trong những danh sơn nước Việt, Yên Tử được coi là nơi kết hợp hài hòa và hấp dẫn bởi hai mặt: cảnh đẹp kỳ thú của thiên nhiên và chiều sâu lịch sử, văn hóa, dân tộc. Non thiêng Yên Tử chính là bảo tàng văn hóa tâm linh, văn hóa cảnh quan, văn hóa sinh thái, thể hiện tư tưởng, tâm hồn, dấu ấn văn hóa độc đáo và hào hùng của dân tộc ta.

Cảnh quan văn hóa Yên Tử từ góc độ địa văn hóa

Cảnh quan văn hóa là không gian địa lý - văn hóa. Không gian này vừa mang yếu tố tự nhiên đặc trưng vừa mang yếu tố văn hóa con người. Cảnh quan văn hóa ở đây được định vị ở vùng văn hóa Yên Tử, bao gồm các quần thể văn hóa ở Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương. Yếu tố tự nhiên là khu vực Yên Tử, bao gồm hệ thống Lục Đầu giang và vùng vòng cung Đông Triều, đến Chí Linh, Hải Dương. Trong đó, đỉnh cao Yên Tử là không gian có độ cao đột xuất. Cảnh quan này vốn là địa linh được các vị sư từ thời Lý đến thời Trần lựa chọn làm nơi tu luyện, đặc biệt Phật hoàng Trần Nhân Tông cùng Pháp Loa và Huyền Quang trở thành Tam tổ Trúc lâm ở nơi đây. Yếu tố cảnh quan văn hóa là do con người sáng tạo ra qua trường kỳ lịch sử, là các di tích văn hóa gắn với sự ra đời và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm và hệ thống lăng mộ các vua Trần như một di sản tín ngưỡng thiêng liêng.

Yên Tử là một dãy núi lớn ở vùng Đông Bắc nước ta, thuộc vòng cung Đông Triều, dài khoảng 80km, rộng khoảng 50km. Dãy Yên Tử bao gồm nhiều đỉnh cao, đỉnh cao nhất là khu vực chùa Đồng (cao 1068m) mây phủ quanh năm. Tiếp đến là các đỉnh Phật Sơn, Ngọa Vân, Hồ Thiên, Thanh Mai, Quan Âm, Huyền Đinh, núi Thằng Người, núi Lòng Thuyền. Những ngọn núi ở phía bắc và tây bắc dãy Yên Tử ở địa phận tỉnh Bắc Giang cũng khá cao, đứng trên đó có thể quan sát được một vùng rộng lớn. Cùng hệ thống núi lại có các đèo tạo thành những con đường thông sang các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương

Với diện tích rộng lớn nằm gần biển và có độ cao, dãy Yên tử có lượng mưa khá lớn tạo ra những thung lũng, bình địa nằm xen với những con sông suối lớn nhỏ. Phía bắc Yên Tử có sông Lục Nam, chảy từ huyện Sơn Động đổ vào cửa Lục Đầu giang. Phía nam Yên Tử có hệ thống sông Sinh, sông Chanh, sông Uông Bí, sông Hoành Bổ, sông Cầm thuộc tỉnh Quảng Ninh. Những sông trên đều bắt nguồn từ dãy Yên Tử chảy ra sông Bạch Đằng và sông Kinh Thầy rồi đổ ra biển. Cùng với những dòng sông là những con đường huyết mạch kết nối toàn bộ hệ thống chùa, miếu, am tọa lạc ở trên núi Yên Tử và mở rộng về cả bốn phía. Đây cũng chính là huyết mạch giao thông thủy bộ quan trọng, kết nối nhanh chóng Yên Tử với vùng biên ải phía bắc, về tới kinh thành Thăng Long phía tây, tới vùng biển phía đông; đồng thời cũng là những con đường tâm linh, kết nối giữa vô vàn con người phàm tục với những minh triết của Phật giáo Thiền Tông.

Yên Tử xưa còn có tên là Tượng sơn (núi Voi), Bạch Vân sơn (núi Mây Trắng), Phù Vân sơn (núi Mây Nổi), Linh sơn (núi Thiêng), được biết đến là một trong 4 “Phúc địa linh thiêng” của Giao Châu. Những sơn thanh, thủy tú thường có nhiều năng lượng tập trung ở trên đỉnh núi hay dưới nước. Cấu trúc núi và nước là cấu trúc của âm và dương giúp con người có thể điều hòa năng lượng làm cho thân thể khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn dễ đạt đến đốn ngộ. Thêm nữa, Phật giáo nói chung và Thiền tông nói riêng cần một không gian “thanh tĩnh” để tu tập. Địa điểm núi Yên Tử không gần mà cũng không đoạn tuyệt với xóm làng, giúp cho thiền sư nhanh chóng nhập định, tu tập nhanh có hiệu quả. Không gian của núi rừng Yên Tử vừa trong sạch vừa yên tĩnh là nơi lý tưởng phải đạt đến của các thiền sư và môn đệ. Người vào núi tu tập, được tắm gội trong cảnh sắc sơn nguyên, tâm dễ đạt tới “thanh tịnh”. Bản thân sự thanh tịnh còn đòi hỏi người tu tập quán tưởng đạt tới vô thức mới ngộ được.

Khi hệ phái Trúc Lâm ra đời, hệ thống chùa, am được phát triển với quy mô lớn tọa lạc ở rộng khắp khu vực Yên Tử chẳng những minh chứng cho sự phát triển của Thiền phái Trúc Lâm mà còn có ý nghĩa to lớn về vị trí chiến lược, về chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa, đặc biệt ở thời đại Lý - Trần. Vì vậy, cảnh quan văn hóa Yên Tử chẳng những đáp ứng yêu cầu về tính đa dạng, đa chức năng của cảnh quan thiên nhiên và còn đáp ứng được yêu cầu quan trọng của Phật giáo Thiền.

Cảnh quan văn hóa tâm linh, trước hết là cảnh quan văn hóa, song yếu tố tâm linh rất đậm đặc. Văn hóa tâm linh ở đây bao gồm cả tôn giáo, tín ngưỡng và những phong tục, tập quán liên quan đến tâm thức thiêng liêng của con người. Cảnh quan văn hóa tâm linh ở Yên Tử bao gồm đầu tiên là Thiền phái Trúc Lâm với tư tưởng, sự truyền thừa là di sản văn hóa tinh thần. Di sản này ngoài việc được ghi lại bằng văn bản còn được hiện thực hóa, bảo lưu ở các di tích tôn giáo chùa, miếu, am, tháp... cùng với sự hoằng dương Phật pháp, Thiền Trúc Lâm không chỉ đồng hành với lịch sử dân tộc, mà còn vượt ra cả khu vực đến với quốc tế, được nhiều phật tử hướng về tu tập trong các thiền viện ở nước ngoài... Tiếp đến là lăng mộ các vua triều Trần là di sản thiêng của tín ngưỡng Việt Nam, góp phần minh chứng tinh thần Phật giáo của thời đại bấy giờ cùng những địa danh gắn với những hoạt động quân sự, sinh hoạt là những chiến địa, những nơi luyện quân, giấu quân… đặc biệt là bãi cọc Bạch Đằng, ghi dấu chiến thắng vang dội đánh tan ý chí xâm lược của quân Nguyên Mông - một đế quốc hùng mạnh nhất trên lịch sử nhân loại thế kỷ thứ XIII. Chiến thắng này là minh chứng hào hùng thể hiện sức mạnh của thời đại, của dân tộc Việt Nam, trong đó tư tưởng tích cực nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm đóng góp một phần hết sức quan trọng. Bên cạnh đó là những phong tục lễ hội gắn với những không gian thiêng mang nhiều yếu tố văn hóa tâm linh phong phú và độc đáo.

Ở đây, tính độc đáo của cảnh quan văn hóa tâm linh Yên Tử thể hiện ở Thiền phái Trúc Lâm - linh hồn của cảnh quan, chi phối nguyên tắc lựa chọn và nguyên tắc kiến thiết toàn bộ hệ thống văn hóa cảnh quan tự nhiên Yên Tử và cảnh quan kiến trúc tôn giáo chùa, miếu, am.

Đặc sắc của cảnh quan văn hóa tâm linh Yên Tử

Ở không gian Yên Tử, hệ thống chùa, am, Thiền viện phân bố ở các tỉnh Quảng Ninh (Chùa Đồng trên đỉnh cao nhất Yên Tử, chùa Bảo Sái, chùa Một Mái, chùa Tiêu, chùa Hoa Yên, Ngự Dược am, Tử Tiêu am, Thạch Thất Ngộ Ngữ viện, chùa Long Động, chùa Giải Oan, chùa Lân, chùa Cầm Thực, chùa Tú Lâm, chùa Hồ Thiên, am/chùa Ngọa Vân, chùa Quan Âm, chùa Quỳnh Lâm, chùa Chân Lạc, chùa Ngũ Đài Sơn, chùa Bắc Mã), Bắc Giang (chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Hố Bấc, chùa Bình Long, chùa Cao, chùa Hang Non, chùa Hòn Tháp, chùa Yên Mã, chùa Hang Dong, chùa Ổ Lợn, chùa Am Vãi, chùa Đồng Vành, chùa Chỉ Tác), Hải Dương (chùa Côn Sơn, chùa Thanh Mai). Hệ thống này là những di tích hiện hữu của văn hóa tâm linh, là di sản văn hóa vật chất quan trọng và độc đáo của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tạo nên đặc trưng độc đáo văn hóa kiến trúc tôn giáo mang đậm chất tâm linh. Những đặc trưng này được thể hiện ở những nguyên lý chọn địa điểm xây chùa miếu, nghệ thuật cấu trúc bên trong và cảnh quan bên ngoài của chùa miếu, quy mô chùa miếu cũng như nghệ thuật sắp đặt cảnh quan…

Lựa chọn đất xây dựng chùa

Cảnh quan văn hóa chùa, miếu là nghệ thuật không gian thể hiện mối quan hệ giữa tự nhiên và xã hội, vì vậy sự lựa chọn đất xây dựng chùa miếu được coi là hết sức quan trọng. Mặt khác, tự thân cảnh quan chùa, miếu đã có những yêu cầu độc đáo, khi chọn đất và cách thức xây dựng chùa, miếu phải đáp ứng đầy đủ cả những yếu tố tự nhiên và xã hội. Đó là vị trí tương đối gần khu dân cư, tiện cho người tu hành đi đến khu dân cư và tín đồ dễ đến dâng hương; cảnh quan phải thanh tĩnh, thiên nhiên đẹp đẽ phong quang, có lợi cho tăng ni tĩnh tâm tu hành. Thêm nữa, các Thiền sư sau kiết hạ thường vân du đây đó, một mặt truyền bá đạo Thiền, mặt khác có thể tìm chọn đất lành, xây các ngôi chùa trên núi. Lựa chọn đỉnh núi xây chùa thể hiện quan niệm dùng điểm khống chế diện và kết hợp được cả điểm và diện, vì vậy Thiền phái thường chọn những vị trí đẹp để xây chùa ở cao điểm, nơi quanh co, thoáng đãng.

Không gian rộng lớn và hùng vĩ của non thiêng Yên Tử với nhiều địa điểm và khí hậu thuận lợi có thể chọn vị trí xây chùa dựng miếu. Việc chọn đất và dựng chùa miếu của Thiền phái Trúc Lâm phải tương đối gần những con đường giao thông huyết mạch và khu dân cư; thuận tiện cho tăng ni phật tử đi lại, thu hút được đại đa số chúng sinh đến dâng hương thỉnh nguyện. Những ngôi chùa trên Yên Tử đều có những con đường liên kết bên trong và mở rộng đến các khu dân cư, kể cả về tới kinh thành Thăng Long.

Phật giáo coi trọng cảnh giới “thanh tĩnh” vô dục vô cầu, tứ đại giai không, cho nên chùa phải là nơi đáp ứng sự ninh tĩnh và thanh tịnh của tăng ni phật tử tham thiền tu hành, cho nên chỗ xây chùa thường chọn nơi núi sông tươi đẹp (như chùa Long Động nằm trong cảnh quan núi Yên Tử có phong cảnh tươi đẹp rực rỡ).

Một trong những nguyên lý tạo nên cảnh quan của Phật giáo là nguyên tắc phong thủy, một nguyên tắc quan trọng trong văn hóa kiến trúc phương Đông, không thể bỏ qua đối với việc xây nhà dựng cửa, đặc biệt kiến trúc tôn giáo. Các địa điểm của các ngôi chùa thường chọn chỗ thoáng đãng, đẹp đẽ ở thế “cao sơn tầm oa trũng”, chùa nào cũng được xây theo hướng “đầu gối sơn chân đạp thủy”. Ngôi chùa ở giữa, bên trái có “thanh long” bên phải có “bạch hổ”, đằng sau có “chẩm” dựa, đằng trước có “án” gần, “minh đường” ở xa. Những yếu tố này không chỉ mang lại vẻ đẹp riêng của cảnh quan ngôi chùa mà thường xuyên nâng cao hiệu quả của không gian tôn giáo đối với năng lực tu tập của đệ tử Thiền phái. Tùy theo địa hình mà mỗi ngôi chùa được đặt theo những nguyên tắc khác nhau.

Bên cạnh đó, chùa Thiền phái chủ yếu là sự gắn kết chặt chẽ giữa kiến trúc nhà thờ Phật và thiên nhiên sơn thủy. Trong đó, nhà thờ Phật cần chắc chắn, yên tĩnh một mặt là nơi các tăng ni tu tập hằng ngày, nằm trong cảnh quan tự nhiên, thể hiện trạng thái sinh hoạt chân thực của không gian tôn giáo, mặt khác chùa chiền còn gắn bó mật thiết với hoàn cảnh tự nhiên và sinh hoạt của tăng ni phật tử.

Cảnh quan Thiền viện hết sức coi trọng màu xanh của sân chùa, ở đây thường trồng tùng, bách, đa, đề… những cây có cành lá tốt tươi thể hiện ý cảnh sùng bái tôn kính Phật giáo, ở tầng thấp hơn trồng các loại hoa cây cối có sẵn ở địa phương, còn điểm xuyết những tiểu cảnh sơn thủy để thể hiện ý cảnh thâm thúy của đạo Phật

Cấu trúc cảnh quan chùa Thiền phái

Cấu trúc cảnh quan chùa là một chỉnh thể sáng tạo hoàn mỹ, hài hòa giữa nguyên lý nghệ thuật và quan niệm tôn giáo. Quan niệm quan trọng của cấu trúc chùa Thiền phái thường thuận theo địa hình, hài hòa cộng sinh, “tuy là nhân tạo vẫn như thiên sinh”.

Từ góc độ chức năng, cấu trúc tổng thể chùa Thiền phái bao gồm bộ phận hoạt động Phật giáo, bộ phận cung ứng sinh hoạt, bộ phận phía trước tiếp dẫn và bộ phận cảnh quan để thưởng ngoạn. Bộ phận hoạt động tôn giáo gồm Phật điện, tháp, lầu, gác hợp thành để thờ cúng Phật Tổ, cử hành nghi lễ Phật giáo. Bộ phận này thường được đặt ở vị trí trung tâm quan trọng, đối xứng nghiêm chỉnh, kín đáo yên tĩnh thể hiện không khí linh thiêng của Phật giáo. Bộ phận cung ứng sinh hoạt, ngoài phòng phương trượng, phòng tăng, trai đường, nhà bếp… còn có phòng cho khách dâng hương, có nhà nghỉ cho thiện nam tín nữ, trong viện còn thiết trí núi đá, đào ao nhỏ, bồn cảnh cấu thành một tiểu thiên địa cùng hợp với cảnh quan môi trường bên ngoài.

Cấu trúc tổng thể chùa Thiền phái thường theo trục tung, lấy Phật điện làm trung tâm, kiểu cấu trúc này vừa quy mô nghiêm chỉnh lại vừa có thể biến hóa. Trên cơ sở trục chính này, các kiến trúc khác được sắp xếp cân đối hài hòa, sao cho phù hợp với địa hình và cảnh quan môi trường tự nhiên, đạt tới hiệu quả tối đa của phong thủy và thẩm mỹ. Trục chính này thường dựa theo hình thế mạch núi và hoàn cảnh địa lý tự nhiên mà bố trí cảnh quan.

Đặc sắc kiến trúc cảnh quan chùa Thiền phái

Kiến trúc cảnh quan chùa miếu quan hệ chặt chẽ với nghệ thuật sáng tạo cảnh quan linh hoạt và tài hoa, trên cơ sở những khống chế của điều kiện tự nhiên như sơn thủy, thực vật… Cái làm nên nét độc đáo của kiến trúc cảnh quan chùa Thiền phái là “viên lâm hóa” quần thể kiến trúc nơi đây. Đó là sự thống nhất giữa kiến trúc tôn giáo trang nghiêm và kiến trúc thế tục tự do linh hoạt, hình thành không gian chùa độc đáo. Phương pháp quy hoạch là xác định trục chính của khu đất, dựa theo đặc điểm địa hình, tùy cơ bố trí, tổ hợp những yếu tố khác nhau quần thể kiến trúc tôn giáo, nhà ngang, đình, tạ… sáng tạo “viên lâm hóa” tạo nên phong cách kiến trúc cảnh quan độc đáo của chùa Thiền. Ngoài chức năng sử dụng và thẩm mỹ, kiến trúc cảnh quan chùa còn phải mang nội hàm văn hóa tôn giáo Thiền phái. Cấu trúc của kiến trúc cảnh quan Thiền phái gồm: kiến trúc tường vây giới hạn bao quanh chùa kiến trúc chi tiết cảnh quan, kiến trúc hành lang đi lại và kiến trúc tiểu phẩm.

Cảnh quan thực vật

Thực vật đã trở thành biểu tượng đậm chất trí tuệ và linh thiêng của Phật giáo. Vậy nên, nơi tu tập và sinh hoạt của tăng ni, cảnh quan rộng lớn của chùa, miếu, chỗ nào cũng trồng nhiều loại cây hoa thảo, tạo nên một môi trường tươi đẹp hài hòa. Thực vật đã trở thành tài sản quý báu trong tu tập và sinh hoạt của tăng ni, là thực thể hiện thực hóa tư tưởng và trí tuệ Phật giáo, thấm đẫm văn hóa Phật giáo. Trong cảnh quan sinh thái chùa, miếu, thực vật nhờ Phật giáo mà linh thiêng, Phật giáo cũng nhờ biểu tượng thực vật mà thêm sắc thái thần bí. Không khí tâm linh của cảnh quan chùa, miếu Thiền phái một phần quan trọng nhờ vào sự sáng tạo hệ thống thực vật.

Thực vật đã được nhân hóa thành phẩm chất, tình cảm của con người và thiêng hóa đem lại may mắn cho con người. Ngoài phương pháp phối trí thực vật, trong cảnh quan chùa, miếu Thiền theo thực vật học và mỹ học, thực vật còn làm tăng sắc thái thần bí tôn giáo. Những trúc, bồ đề, sen, mai, tùng, bách, đa… được lựa chọn trồng trong cảnh quan chùa Thiền Trúc Lâm đều có nhiều ý nghĩa biểu tượng cao (cây bồ đề còn gọi là “cây tư duy”, hoa sen tượng trưng thanh khiết và trường thọ,…).

Thực vật cũng phong phú về chủng loại, trong chùa Thiền, chúng thường được phân loại thành cây bóng mát, cây tầng thấp cần tưới nước và cây trong chậu. Hệ thực vật trong chùa Thiền phái Trúc Lâm có số lượng phong phú, nhiều chủng loại, có lịch sử lâu đời và có chất lượng cao đã góp phần tạo nên xanh hóa chùa và đặc sắc cảnh quan môi trường nơi đây.

Những nguyên tắc của nghệ thuật phối trí cây cảnh cũng làm nên đặc sắc cảnh quan chùa Thiền phái. Cần tạo ra sự thống nhất hài hòa giữa tính khoa học và tính thẩm mỹ, giữa môi trường tự nhiên và hoàn cảnh thích ứng của từng loại cây, có sự phối hợp giữa cá thể và quần thể, giữa độ cao và thấp, điểm và diện, kể cả chu kỳ sinh trưởng của thực vật nhằm hướng đến những vẻ đẹp cân xứng hài hòa vừa thống nhất lại vừa biến hóa trong nghệ thuật tổ chức cảnh quan chùa Thiền phái.

Nghệ thuật sắp đặt đá và xử lý nước trong cảnh quan chùa

Vấn đề sơn thủy trong cảnh quan chùa luôn được coi trọng. Bố trí sơn thủy tài hoa tinh tế trong cảnh quan chùa miếu chính là nhân hóa tự nhiên, mỹ hóa tự nhiên và càng tăng cường mỹ học của tôn giáo Thiền.

Núi đá (giả sơn) và những khối đá tự nhiên có mặt ở nhiều nơi trong cảnh quan chùa miếu, dựa trên nguyên tắc mô phỏng tự nhiên của Thiền phái. Trên núi giả người ta cũng phối hợp làm hang động, đình đài, cây cảnh điểm xuyết, có cả dòng nước chảy như thật, tạo ra ý cảnh núi rừng tự nhiên.

Nước thể hiện sự thuần khiết và trí tuệ. Cách xử lý nước cũng quan trọng như cách bầy đặt núi, và đặc biệt đáng lưu ý là sự phối hợp giữa núi và nước “núi nhờ nước mà sống động, nước nhờ núi mà hấp dẫn”. Trong cảnh quan chùa Thiền, hoặc dựa vào tự nhiên có sẵn, người ta thường xây dựng ao, suối, thác, hay giếng cổ. Các hình thức của nước trên đây thường được tổ chức linh hoạt theo cảnh quan địa lý tự nhiên, những phải tạo được tiền hô hậu ứng, thường xuyên lưu thông. Chùa Thiền Trúc Lâm thường xây dựng “ao phóng sinh”, thể hiện tư tưởng từ bi của Phật giáo, cũng là để tín đồ thực hành phóng sinh. Điều này cũng làm nên đặc sắc cảnh quan chùa Thiền phái. Ngoài ra cách đặt tên cho các ao hồ trong cảnh quan chùa cũng thể hiện tư tưởng Phật giáo (như Hồ Định Tâm chùa Long Động…).

Tóm lại, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là một dòng phái tiếp biến đạo Phật có nguồn gốc từ Ấn Độ, là sự thăng hoa và Việt hóa Phật giáo ở Việt Nam trong điều kiện thời đại lịch sử đặc biệt cùng với minh triết cao cả của đức Vua - Phật Trần Nhân Tông.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được ươm mầm nơi không gian thiêng Yên Tử, trở thành chốn tổ của Thiền phái cả nước và đồng hành cùng lịch sử dân tộc, lan tỏa ra nhiều nước trên thế giới. Những di sản văn hóa vật thể như chùa, tháp, thực vật… được tạo dựng theo những quan niệm và chức năng của Phật giáo Thiền Tông, tạo nên cảnh quan văn hóa tâm linh Yên Tử mang đậm phong cách độc đáo Thiền Trúc Lâm Việt Nam và là di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc cần được gìn giữ cho muôn đời sau./. 

 

 

Nguồn: tapchicongsan.org.vn

In bài viết    Quay lại
Các tin đã đăng
 

Tổng số lượt truy cập 31.962.213
Trong ngày 3370
Số người online 23

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

BAN QUẢN LÝ DI TÍCH VÀ RỪNG QUỐC GIA YÊN TỬ


Giấy phép hoạt động số 06/ GPTTĐT_ STTTT ngày 22 tháng 4 năm 2019 của Sở TTTT tỉnh Quảng Ninh
Cơ quan chủ quản: Bản quản lý Yên Tử
Địa chỉ: Dốc đỏ, P.Phương Đông, TP.Uông Bí, T.Quảng Ninh
Chịu trách nhiệm: Ông Lê Tiến Dũng         Trưởng ban

Điện thoại: 02033 854 153                  Fax: 02033 854 153

Email: bqlyentu@gmail.com              Website: http://banquanlyyentu.vn

 

Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.

Thiết kế bởi: Viện Công Nghệ Viễn Thông Email: info@vnitt.ac.cn | Điện thoại: 08.39972030