QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG

Quản lý và bảo vệ rừng quốc gia Yên Tử: Còn đó những khó khăn

Rừng Quốc gia (RQG) Yên Tử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các nguồn gen quý hiếm, đây cũng là nơi lưu giữ những bản sắc, giá trị văn hoá của dân tộc. Tuy nhiên, trước những giá trị to lớn của RQG Yên Tử cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Khu RQG Yên Tử có diện tích 2.783ha nằm trên địa bàn 2 xã: Thượng Yên Công và Phương Đông, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Theo đánh giá của các nhà khoa học, rừng quốc gia Yên Tử có 70,3% diện tích là rừng tự nhiên đặc trưng cho hệ sinh thái rừng Đông Bắc; trong đó, 38 loài thực vật và 23 loại động vật đặc hữu, quý hiếm, được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Cùng với các giá trị lâm sản quý giá, RQG Yên Tử cũng là một khu vực có trữ lượng than tương đối lớn, đây đã trở thành những nguồn lợi không nhỏ cho kẻ xấu lợi dụng sơ hở tìm cách khai thác. Bên cạnh đó, với đặc điểm cư dân trong khu vực RQG chủ yếu là đồng bào dân tộc, đời sống còn tương đối khó khăn, thiếu việc làm, thu nhập không ổn định, nhận thức hạn chế, dễ dàng bị kẻ xấu lợi dụng đã khiến công tác bảo vệ RQG Yên Tử càng trở nên khó khăn.

Một phiên tuần tra rừng của nhân viên Đội Quản lý - Bảo vệ Rừng Quốc gia Yên Tử.

 

Anh Hoàng Dương Lanh, nhân viên bảo vệ rừng, Ban Quản lý Di tích và RQG Yên Tử, chia sẻ: “Việc quản lý rừng rất phức tạp, các đối tượng vi phạm thường chống trả quyết liệt khi bị phát hiện. Có trường hợp, đối tượng còn dùng cả lựu đạn để đe doạ lực lượng bảo vệ rừng, nhưng bằng các nghiệp vụ và sự phối hợp giữa các lực lượng nên đối tượng đã bị khống chế, giao cho cơ quan chức năng xử lý. Nhưng khó khăn nhất vẫn là các đối tượng lợi dụng nhận thức của người dân để cản trở lực lượng bảo vệ rừng...”. Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian qua, lực lượng bảo vệ rừng đã phối hợp thường xuyên tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ và phát triển rừng, qua đó giúp người dân hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với tài nguyên rừng, ý nghĩa to lớn của rừng đối với di tích Yên Tử và công tác phòng hộ, giữ gìn cảnh quan môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học...

          Bên cạnh đó, RQG Yên Tử là nơi có khu di tích, danh thắng Yên Tử, thường xuyên có du khách tới tham quan nên vào ngày lễ, công tác bảo vệ càng phải được thực hiện chặt chẽ hơn. Đồng chí Phạm Văn Dược, Phó trưởng Ban Quản lý Di tích và RQG Yên Tử cho biết: “Vào những ngày này, công tác quản lý và bảo vệ RQG Yên Tử luôn được tăng cường, siết chặt. Lực lượng bảo vệ rừng luôn phải túc trực 24/24 để đảm bảo quản lý, bảo vệ tốt nhất hiện trạng khu vực RQG, tránh các trường hợp kẻ xấu lợi dụng trà trộn du khách để thực hiện các hành vi xâm phạm, phá hoại rừng, cũng như nguy cơ gây cháy rừng, ô nhiễm rừng… từ các hoạt động của du khách”. Hiện tại, Đội quản lý - bảo vệ rừng của Ban Quản lý Di tích và RQG Yên Tử có 15 lao động hợp đồng, được chia thành 5 trạm kiểm soát tại các khu vực then chốt trong RQG, mỗi trạm có từ 2-4 nhân viên bảo vệ rừng, trực 24/24h. Trong khi đó, thù lao cho đội rất eo hẹp, trước kia là 50.000 đồng/ha/năm, từ năm 2006-2011 được tăng lên 100.000 đồng/ha/năm và hiện nay là 200.000 đồng/ha/năm. Với kinh phí như vậy, 15 lao động hợp đồng trong đội quản lý - bảo vệ rừng chỉ được hưởng mức hỗ trợ  hiện tại là khoảng 2 triệu đồng/tháng với thời gian làm việc đảm bảo thường trực 24/24h, thời gian nghỉ bù, nghỉ phép gần như không có... Cùng với đó, lực lượng tham gia quản lý và bảo vệ rừng còn gặp nhiều khó khăn về biên chế, trang thiết bị và những điều kiện cần thiết phục vụ công tác thực thi pháp luật. Hầu hết các nhân viên bảo vệ rừng, Ban Quản lý Di tích và RQG Yên Tử, đều có quá trình công tác vài năm, có người đến nay đã công tác trên 10 năm, tuy nhiên vẫn là lao động làm việc được ký hợp đồng năm một.  
          Dù còn nhiều khó khăn, song công tác bảo vệ và phát triển rừng Yên Tử những năm qua vẫn có được những kết quả đáng ghi nhận. Việc tuần tra, canh gác đã đảm bảo ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm đến rừng đặc dụng. Trong những năm gần đây, RQG Yên Tử luôn được bảo vệ tốt, không có vụ cháy rừng nào xảy ra, các vụ vi phạm pháp luật rừng, khai thác tài nguyên rừng cũng được ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Nguồn: Nguyễn Thanh Tùng (báo Quảng Ninh)

In bài viết    Quay lại
 

DANH MỤC

WEBSITE SỞ NGÀNH

SỐ LƯỢT TRUY CẬP SỐ LƯỢT TRUY CẬP

Tổng số lượt truy cập 19.344.272
Trong ngày 23990
Số người online 206

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

BAN QUẢN LÝ DI TÍCH VÀ RỪNG QUỐC GIA YÊN TỬ


Giấy phép hoạt động số 06/ GPTTĐT_ STTTT ngày 22 tháng 4 năm 2019 của Sở TTTT tỉnh Quảng Ninh
Cơ quan chủ quản: Bản quản lý Yên Tử
Địa chỉ: Dốc đỏ, P.Phương Đông, TP.Uông Bí, T.Quảng Ninh
Chịu trách nhiệm: Ông Lê Tiến Dũng         Trưởng ban

Điện thoại: 02033 854 153                  Fax: 02033 854 153

Email: bqlyentu@gmail.com              Website: http://banquanlyyentu.vn

 

Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.

Thiết kế bởi: Viện Công Nghệ Viễn Thông Email: info@vnitt.ac.cn | Điện thoại: 08.39972030