Leo núi Yên Tử: Hành trình tìm lại chính mình
Nếu không quá quan trọng việc đi lễ chùa phải đúng ngày rằm, ngày mùng một hoặc vào những ngày lễ hội, việc chọn đi Yên Tử vào những ngày cuối năm âm lịch sẽ cho bạn nhiều cơ hội để khám phá ngọn núi thiêng với những góc nhìn và cảm nhận rất khác so với cảnh phải bon chen cùng với hàng nghìn người khác vào chính dịp lễ hội.
Giống như đi lễ chùa Hương, người Việt thường có thói quen đi lễ Yên Tử vào những dịp đầu năm âm lịch. Nhưng những tháng cuối năm, khi tiết trời còn lành lạnh, ẩm ướt, khi những đợt gió mùa đông bắc liên tục tràn về, khi mọi người đang bận rộn với những công việc dang dở để chuẩn bị chào đón năm mới thì vẫn có một số ít người muốn trải nghiệm cuộc hành trình leo núi Yên Tử. Hầu hết họ là những lữ khách phương xa, khách trong nước lẫn nước ngoài, tới Yên Tử những tháng cuối năm để khám phá, trải nghiệm, thưởng ngoạn chứ không đơn thuần chỉ là đi lễ.
Tháng mười hai hay tháng một dương lịch là thời gian khá đẹp để tới thăm Yên Tử. Thời tiết cuối năm, trời lạnh và mù sương giúp cho lữ khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của ngọn núi. Nếu chỉ định đi Yên Tử trong ngày, bạn có thể mua vé cáp treo cả bốn chuyến lên và xuống. Thời gian leo núi và nghỉ ngơi còn lại đủ để bạn thực hiện một cuộc hành trình trọn vẹn trong ngày mà không cần phải quá vội vã.
Đi vào dịp cuối năm, hãy cứ thong thả và bình tĩnh bước, thỉnh thoảng dừng lại, nghỉ chân và nhìn ngắm khung cảnh quanh mình. Bạn có thấy sương mù đang bảng lảng, lờ lững bay trước mắt? Bạn có thấy khói sương làm ướt cả lối đi, đọng thành những giọt nước mong manh trên cây cỏ? Bạn có thấy không gian quanh mình dù đang lạnh nhưng lại rất trong lành, thoáng đãng và yên tĩnh? Bạn có thấy trời, đất như đang gần nhau hơn, giúp cho tâm hồn trong sạch và được rọi sáng?
Nhiều người đã hỏi chúng tôi: Yên Tử có gì hay mà cuối năm nào cũng thấy cả đoàn rồng rắn rủ nhau lên núi? Đi một vài lần là được rồi. Nếu là tham quan, có nhất thiết phải mỗi năm, cứ đều đặn chọn thời điểm cuối năm âm lịch để lại tiếp tục cuộc hành trình cũ rích, đã đi đi lại lại nhiều lần rồi hay không? Chúng tôi không biết giải thích thế nào cả, chỉ trả lời bằng một câu “đi rồi khắc biết”.
Leo núi Yên Tử vào thời điểm vắng người thực sự là một trải nghiệm đẹp. Khi ấy, bạn mới có thời gian dừng chân, nghỉ ngơi và được đắm chìm bên trong không gian mênh mang, huyền ảo của ngọn núi chứ không phải chen lấn, mắt chỉ chực nhìn xuống dưới chân để cố gắng bước đi từng bước vững chắc, cố giữ cho mình không bị trượt ngã.
Dù là thời điểm cuối năm nhưng mỗi lần đi lại là một kiểu thời tiết khác nhau. Hôm ấm áp, hôm lạnh cóng, hôm lại sương mù dày đặc, hôm lại mưa bụi lất phất. Đã nhất là những ngày leo lên tới đỉnh núi. Cả quãng đường leo không quá lạnh, quá gió, nhưng vừa đặt chân lên tới chùa Đồng, mây gió ùa tới, trắng xóa, mịt mờ cả đỉnh núi khiến người trước, người sau không thấy rõ mặt nhau. Cảnh tượng thật huyền ảo, giống hệt như trong những ca từ của “Phù Vân Yên Tử” với “mênh mênh mang mang”, với “thổn thức nỗi lòng ai kẻ tình si”…
Lại có những hôm lên tới đỉnh thiêng, gió rét tràn đến lạnh cóng. Gió, mây cùng đến rất nhanh, khi mới chỉ vài bước ở dưới kia còn chưa thấy được cái lạnh đến run rẩy, thế mà bây giờ ai nấy trong đoàn đều co ro sau một đoạn đường leo núi khá chật vật. Chắp tay trước chùa Đồng, đứng trên đỉnh núi ngắm nhìn cảnh mây gió chập chùng bên dưới mới thấy được sự linh thiêng, ngút ngàn của tạo vật. Con người, vốn dĩ vẫn là những thân phận nhỏ bé trước vũ trụ, thiên nhiên.
Trong một cuốn sách viết về Tây Tạng, người ta có viết đại ý thế này: Con người thường vỗ ngực huênh hoang rằng ta đây đã chinh phục được ngọn núi này, núi kia. Trèo lên tới đỉnh tức là ta đã chinh phục được đỉnh núi đó. Nhưng theo tác giả, về phương diện tâm linh, mỗi ngọn núi đều có linh hồn. Những cuộc hành trình leo núi là cơ hội để mỗi người trong chúng ta được chiêm nghiệm, được lắng nghe và thấu hiểu bản thân mình. Núi có linh hồn nên núi nghiêng mình, nhường ta leo núi không bị trượt ngã. Núi dìu dắt từng bước chân ta. Núi bảo vệ ta xuyên suốt cả cuộc hành trình. Không phải ta chinh phục được ngọn núi, mà là núi cho phép chúng ta bước lên thân thể của núi, leo lên những bậc đá cao nhất trên đỉnh núi, để rồi sau đó thấu hiểu được sự khiêm nhường, hy sinh của núi. Núi cao cả, vĩ đại, nhưng vẫn sẵn sàng nghiêng mình để nâng đỡ bước chân của những con người nhỏ bé. Nên đừng huênh hoang, tự đắc. Ngọn núi này, dòng sông này, bờ biển này… tất cả đều là dòng xoay của vạn vật, của tạo hóa, của những điều linh thiêng mà con người chưa thấu hiểu tường tận. Đứng trước núi, kính cẩn và tôn trọng. Vì ta biết rằng, núi đang che chở và nâng đỡ từng bước chân ta…
Đường xuống núi đã bớt chật vật. Ta thong thả ngắm nghía những cánh hoa mơ đang mùa trổ hoa, hít hà thứ không khí trong lành của núi rừng dù sương mù bảng lảng vây kín. Mấy chú cún của chủ bán hàng trên núi lóc cóc chạy theo chúng tôi, có lúc lại nằm ườn ra mấy tảng đá, đòi vuốt ve, cưng nựng. Cún trên núi mà không hề dữ dằn, tính tình cứ hiền lành, xởi lởi và cũng rất… thong dong, đôi mắt vô tư không hề tỏ vẻ lấm lép, sợ sệt và đầy nghi hoặc như những chú chó trong thành phố lúc vụt chạy ra đường.
Và một mùa xuân nữa đang sắp về. Phật tử và khách hành hương sẽ lại nô nức cùng nhau đi lễ chùa, về với đất Phật, về với núi thiêng Yên Tử. Nhưng trong những ngày cuối năm âm lịch bận bịu này, nếu bạn muốn thực hiện một điều gì đó mới mẻ, táo bạo, hãy ngay lập tức khoác ba lô và ghé thăm Yên Tử. Trong không khí của những ngày đông lạnh cuối mùa, bạn sẽ được gặp một Yên Tử thật khác biệt: dung dị, đơn sơ và huyền bí hơn bất cứ ngày lễ hội nào.
Không phải bạn đã chinh phục được đỉnh núi, mà là Núi thiêng đang nghiêng mình chào đón bạn…
Theo: Phương Linh/ Báo mới.com