VĂN HOÁ

Di tích, di sản văn hóa tại Đà Nẵng: Đang "lãng phí" tiềm năng sẵn có

 
VH- Hiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 19 di tích cấp quốc gia, bốn di sản nằm trong danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia, 51 di tích cấp thành phố và 40 di tích nằm trong danh mục kiểm kê, chưa kể các bảo tàng và bộ sưu tập, trưng bày có giá trị cùng hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc khác.

Tuy nhiên, dù đã có thế mạnh trong việc khai thác phục vụ du lịch, nhưng vấn đề bảo tồn song song với việc phát huy để biến những di sản, di tích này thành những “con tằm nhả tơ” thì vẫn đang bỏ ngỏ… 

 

Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VHTT TP Đà Nẵng thừa nhận: Dù các di tích đã được quan tâm đầu tư để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và khách du lịch, nhưng trên thực tế cho thấy sự kết hợp giữa việc bảo tồn và khai thác còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, trong đó sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng, nhận thức nói chung của người dân cũng như những đơn vị cơ sở về việc giữ gìn và phát huy các giá trị di tích, di sản văn hóa vẫn còn thấp, chưa nhận ra tầm quan trọng của di sản văn hóa trong việc nâng cao đời sống tinh thần, phục vụ kinh tế, xã hội.

Có những điểm di tích, danh lam thắng cảnh đã gắn liền với hình ảnh Đà Nẵng, thu hút mỗi năm hàng trăm lượt khách như Hải Vân Quan, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Đà Nẵng và di tích Thành Điện Hải... Không phủ nhận thực tế rằng những di tích, di sản kể trên mang lại hiệu quả giá trị kinh tế, xã hội to lớn, nhưng nếu đem ra so sánh với khối lượng bề thế của văn hóa di sản thành phố Đà Nẵng đang sở hữu thì có thể thấy Đà Nẵng đang “lãng phí” tiềm năng sẵn có. Một số di tích cũng mang nhiều ý nghĩa lịch sử nhưng chưa được quảng bá rộng rãi, chưa được quan tâm một cách đúng tầm như nhà thờ Tiền hiền làng An Hải, đền thờ Thoại Ngọc Hầu (Q. Sơn Trà), cụm làng thuần Việt, làng chài, làng nghề điêu khắc đá ở Ngũ Hành Sơn...

Những điểm này lượng khách tìm đến tham quan còn rất hạn chế, hầu như chưa được đưa vào các tour, tuyến của các đơn vị khai thác lữ hành. Nếu các ngành chức năng đánh giá đúng giá trị văn hóa lịch sử của những di tích, di sản này để đưa vào khai thác phục vụ du lịch, hình thành nên một chuỗi điểm dừng chân trong hành trình khám phá của du khách – đặc biệt là khách quốc tế, thì sẽ tạo nên giá trị kinh tế, xã hội hiệu quả, đồng thời nâng cao hơn giá trị và tầm quan trọng của những cảnh quan này.

Các di tích “thiếu sức hút” với khách du lịch bởi nhiều lý do. Theo một số hướng dẫn viên du lịch, một số chùa và đình làng ở Đà Nẵng nếu so về bề dày lịch sử, độ hoành tráng hay sức hấp dẫn thì không bằng các di tích cùng loại ở miền Nam hay miền Bắc nên khách nội địa không mấy mặn mà. Ngoài sự kém hấp dẫn, theo các hướng dẫn viên, nếu ghé thăm các di tích kể trên sẽ thêm nhiều thời gian trong chương trình tour, đội chi phí tour lên; một số di tích không có chỗ đậu xe; ngoài thăm di tích thì không có sản phẩm phụ trợ đi kèm để khách ưng ý; nhu cầu và mức độ quan tâm của du khách chưa có nên các hãng lữ hành chưa mấy mặn mà với những điểm đến đó...

 Di tích lịch sử quốc gia Hải Vân Quan cần được đầu tư nhiều hơn nữa để bảo tồn và thu hút du khách

Bản thân những địa danh, di tích vốn đã có sức hấp dẫn riêng bởi ý nghĩa lịch sử. Nhưng để những điểm đến này trở thành điểm đến thu hút khách thì cần sự nỗ lực hơn nữa của các cơ quan chức năng. Hải Vân Quan là di tích kỳ vĩ, nằm trong một khung cảnh đẹp đẽ, thơ mộng, nơi đây được đánh giá là một nơi tham quan lý tưởng. Tuy nhiên thực tế cho thấy, những du khách - đặc biệt là khách quốc tế đến với Hải Vân Quan được “mãn nhãn” chứ chưa “thỏa lòng”, bởi các hướng dẫn viên không phải ai cũng am hiểu về lịch sử của Hải Vân Quan. Thiết nghĩ nếu ở đây có một nhân viên hướng dẫn có thể tường tận sâu sắc về Hải Vân Quan, hoặc tài liệu bằng tiếng Anh - Việt để giới thiệu cho khách một cách chi tiết thì sẽ hay hơn rất nhiều, sẽ tạo cho du khách sự thỏa mãn với chuyến tham quan.

Trên thực tế không chỉ có Hải Vân Quan, mà còn có những di tích, di sản văn hóa khác trong lòng thành phố Đà Nẵng cũng cần được đầu tư, quan tâm đúng mức. Mới đây trong buổi làm việc giữa Sở VHTT TP Đà Nẵng với Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cùng lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc khai thác, đưa di tích Chăm Phong Lệ (P. Hòa Thọ Đông, Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) thành một sản phẩm du lịch một lần nữa được đưa ra. Di tích Chăm Phong Lệ được phát hiện vào năm 2011, được coi là một phát hiện khảo cổ lớn có giá trị. Sau khi khai quật, có rất nhiều ý tưởng, đề xuất phong phú nhiệt tình đưa ra như mở tour đường sông từ Bảo tàng Điêu khắc Chăm đi Phong Lệ trên một con thuyền của người Chăm xưa, tại đây xem những tháp Chăm được phục dựng, có thể tái hiện cuộc sống và những nghề truyền thống của người Chăm…, để thu hút được du khách. Các ý kiến cũng thể hiện: Muốn làm được điều đó cần có sự định hướng của chính quyền, và các nhà đầu tư vào khai thác, mở tour.

“Tiềm lực của thành phố Đà Nẵng về lượng bảo vật là rất phong phú, xây dựng một Bảo tàng Chăm thứ 2 là điều chính quyền và Sở VHTT TP Đà Nẵng nên quan tâm, chúng ta có thể giải quyết vấn đề này để tăng thêm địa điểm văn hóa của địa phương mình. Và di tích Chăm Phong Lệ đủ sức làm chuyện đó. Cách đây mấy năm đã có nhiều ý kiến mạnh mẽ về chuyện này nhưng cho đến nay nhìn lại thì chưa có gì thay đổi. Thực tế cho thấy, Đà Nẵng cần dành sự quan tâm nhiều hơn đối với các di sản”, một thành viên trong Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nêu ý kiến.

 Trung tâm  Văn hóa – thể thao xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng: Mỏi mòn chờ trùng tu

Trung tâm Văn hóa xã Hòa Liên vẫn “chờ” khắc phục

Có mặt tại Trung tâm Văn hóa – thể thao xã Hòa Liên những ngày này chứng kiến mọi thứ vẫn ngổn ngang như bãi chiến trường sau sự cố nứt tường, lún móng gây bức xúc cho bà con trong xã. Theo kế hoạch của Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng (chủ đầu tư dự án), quá trình khắc phục sự cố bắt đầu từ ngày 13.2.2017, dự kiến hoàn thành vào tháng Tư trong năm. Tuy nhiên đã quá thời hạn khắc phục mà công trình vẫn y nguyên, còn những người làm tại công trình trả lời rằng, họ cũng chẳng biết họ phải làm gì, làm cho ai và công việc cụ thể như thế nào?

Ông Đoàn Quyền, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Quan Nam 3 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) cho biết: “Trước đây, trong quá trình thi công dân không thấy có ai giám sát công trình cả, sau khi thấy tường bắt đầu nứt nẻ, hư hỏng nghiêm trọng thì mới thấy có một vài người đến kiểm tra. Hư hỏng rồi thì còn giám sát gì nữa? Sắp tới mùa mưa bão, người dân trong xã cũng sợ công trình không đảm bảo sẽ lại càng xuống cấp, gây nguy hiểm. Không biết những thiệt hại về kinh phí khắc phục này ai sẽ chịu trách nhiệm?”.

Trao đổi về những vấn đề trên, Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng, ông Huỳnh Văn Hùng chia sẻ: “Trước khi khắc phục công trình Trung tâm văn hóa xã Hòa Liên, Sở VHTT đã mời các đơn vị có chuyên môn thực hiện việc kiểm tra thêm nhiều lần để có phương án tốt nhất. Với công trình hư hại nặng nề như thế này thì việc khắc phục không thể vội vàng. Sở dĩ công trình kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu bởi vì trong quá trình thi công, công trình phải dừng 45 ngày để Thanh tra thành phố tiến hành thanh tra toàn diện việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng. Việc khắc phục công trình Trung tâm Văn hóa xã Hòa Liên cũng được thực hiện nghiêm ngặt theo hồ sơ thiết kế mà UBND TP đã nghiên cứu, phê duyệt. Khi làm xong phần móng sẽ để thời gian quan trắc xem có bị sụt lún nữa không, sau đó mới hoàn thiện phần kiến trúc bên trên. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự tham gia của các đơn vị thi công có uy tín, công trình sẽ được làm đúng quy trình, đảm bảo an toàn khi đưa vào sử dụng. Dự kiến trong năm 2017 này công trình Trung tâm Văn hóa - thể thao xã Hòa Liên sẽ được hoàn thiện”.

Công trình ban đầu có dự toán khắc phục gần 500 triệu đồng, đến tháng 6.2017, con số dự toán khắc phục được điều chỉnh lên gần 750 triệu đồng. “Nhưng dù số kinh phí có cao hơn nữa vẫn phải thực hiện và chính các đơn vị liên quan phải tự bỏ kinh phí khắc phục chứ không sử dụng vốn ngân sách của thành phố”, ông Hùng khẳng định. N.H  

Theo:Ngọc Hà/ Vanhoa online

In bài viết    Quay lại
Các tin đã đăng
 

DANH MỤC

WEBSITE SỞ NGÀNH

SỐ LƯỢT TRUY CẬP SỐ LƯỢT TRUY CẬP

Tổng số lượt truy cập 31.962.130
Trong ngày 3487
Số người online 24

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

BAN QUẢN LÝ DI TÍCH VÀ RỪNG QUỐC GIA YÊN TỬ


Giấy phép hoạt động số 06/ GPTTĐT_ STTTT ngày 22 tháng 4 năm 2019 của Sở TTTT tỉnh Quảng Ninh
Cơ quan chủ quản: Bản quản lý Yên Tử
Địa chỉ: Dốc đỏ, P.Phương Đông, TP.Uông Bí, T.Quảng Ninh
Chịu trách nhiệm: Ông Lê Tiến Dũng         Trưởng ban

Điện thoại: 02033 854 153                  Fax: 02033 854 153

Email: bqlyentu@gmail.com              Website: http://banquanlyyentu.vn

 

Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.

Thiết kế bởi: Viện Công Nghệ Viễn Thông Email: info@vnitt.ac.cn | Điện thoại: 08.39972030