TIN TỨC

Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 -1308)

Tên tuổi và sự nghiệp của Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông là ngọn đuốc sáng trong trang sử vàng của dân tộc Việt Nam, là bậc Tổ sư tôn kính đối với tất cả tăng, ni, phật tử và con cháu muôn đời của đất Việt.

           

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông thờ trong Huệ Quang Kim Tháp, Yên Tử

          Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, tên húy là Trần Khâm, sinh ngày 07/12/1258 (tức ngày 11/11/ Mậu Ngọ), con trưởng của vua Trần Thánh Tông và Hoàng hậu Nguyên Thánh. Khi ra đời, nhận thấy ông có nhiều điểm phi thường nên được vua cha đặt biệt hiệu là  Phật kim. Ông là vị vua thứ 3 của nhà Trần; năm 16 tuổi, được lập làm Hoàng Thái Tử; năm 20 tuổi (1278) lên ngôi Hoàng Đế, đổi niên hiệu là Thiệu Bảo Nguyên Niên. Ông làm vua 15 năm (1278 - 1293) có đóng góp trên mọi lĩnh vực về kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa…đánh dấu một thời kỳ vàng son trong lịch sử của dân tộc Việt Nam.

            Năm 1293 ông nhường ngôi cho con, lui về phủ Thiên Trường (Nam Định) làm Thái Thượng Hoàng, chuyên tâm giảng cứu kinh Phật, thực tập xuất gia ở hành cung Vũ Lâm (Ninh Bình) trong vòng sáu năm để chuẩn bị cho bước xuất gia của Ngài về Yên Tử tu hành, để tìm ra đường lối xây dựng một nền đạo đức xã hội hướng thiện, thu phục nhân tâm, đoàn kết dân tộc, giữ cho "non sông nghìn thuở vững âu vàng".

            Năm 1299, vua Trần Anh Tông trưởng thành, Thượng hoàng Trần Nhân Tông chính thức xuất gia tu hành khổ hạnh tại đỉnh Tử Tiêu núi Yên Tử, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà và tự xưng là Trúc Lâm Đại Sĩ.

            Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do ông sáng lập mang đậm chất văn hóa Đại Việt, được xem là Phật giáo chính thức của đất nước thời đó. Tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được đánh giá là sự kết tinh những giá trị cao cả nhất của nhân loại: trí tuệ, từ bi, lòng nhân ái; khơi dậy sức sống tinh thần gắn bó mật thiết giữa Đạo pháp với dân tộc, xây dựng nền đạo đức xã hội hướng thiện và nhân văn cao cả. Ảnh hưởng của dòng thiền này vô cùng sâu rộng cho đến nay. Phật giáo Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng trực tiếp của tư tưởng đó.

            Sau khi xuất gia về Yên Tử tu hành, ông đã đi khắp các chốn thôn dã để giáo hóa, khuyên dân bỏ những hủ tục mê tín, dâm từ và thực hành thập thiện. Những năm cuối đời, Trúc Lâm Đại Sỹ dồn hết tâm sức cho việc hoá đạo, chuẩn bị nhân sự kế thừa để lo việc Giáo hội. Chính trong thời gian này, Ngài đã chọn và truyền trao Y-Bát cho Thiền sư Pháp Loa trở thành Đệ Nhị Tổ và chọn Thiền sư Huyền Quang làm thị giả, sau Huyền Quang đã trở thành Đệ Tam Tổ Thiền Trúc Lâm nối lửa, tiếp hương một mạch chảy dài vang vọng mãi đến hôm nay.

            Ngày 01/11/ năm Mậu Thân (1308),  Đức Vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn tại Am  Ngọa Vân trên dãy  núi Yên Tử. Xá lợi của Ngài được lưu giữ ở Huệ Quang Kim Tháp trước cửa chùa Hoa Yên. Thánh  hiệu của Ngài "Đại thánh Trần triều Trúc Lâm đầu đà tĩnh tuệ giác hoàng điều ngự Tổ Phật".

Quang cảnh vườn tháp Huệ Quang, Yên Tử

          Trong lịch sử dân tộc, vua Trần Nhân Tông là một trong những anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa tiêu biểu. Vốn là người thông minh trời phú cộng với tính ham học, lại thừa hưởng một nền giáo dục hết sức rộng rãi với tinh thần cởi mở; kết hợp kiến thức khoa học với văn chương, quân sự với âm nhạc, vì thế ngay từ khi còn trẻ ông đã học thông tam giáo và hiểu sâu sắc về Phật giáo.

          Nhờ có đủ tầm vóc về bản lĩnh và trí tuệ nên mặc dù vừa lên ngôi, vua Trần Nhân Tông đã ý thức rất sâu sắc về "thế trận lòng dân" hạt nhân để làm nên chiến thắng. Trần Nhân Tông đã tổ chức hội nghị Bình Than (1282), gồm tướng sĩ để bàn kế giữ nước. Đặc biệt, đầu năm 1285, Trần Nhân Tông đã tổ chức hội nghị Diên Hồng, gồm các bô lão đại diện cho thần dân khắp cả nước, để rồi từ điện Diên Hồng vang lên tinh thần quyết chiến. Rõ ràng là mỗi khi sức mạnh nhân dân vào trận thì không một thế lực nào có thể vượt thắng được. Với cách hiểu như vậy, chúng ta mới thấy được tầm cao của Trần Nhân Tông trong việc huy động sức dân vào hai cuộc chiến tranh chống giặc Nguyên Mông, cuộc xâm lược lần thứ hai (1285) và  cuộc xâm lược lần thứ ba (1288) kết thức bằng chiến thắng trên sông Bạch Đằng, một trong những chiến thắng vĩ đại nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

            Mặc dù quân dân Đại Việt đã giành thắng lợi vẻ vang, bảo vệ vững chắc  độc lập của dân tộc nhưng sau chiến tranh nhiều làng xóm, gia đình bị li tán, mùa màng bị tàn phá. Trước tình hình đó, chỉ mấy ngày sau chiến thắng, khi về Thăng Long, vua Trần Nhân Tông lập tức ban Chiếu, tuyên bố đại xá thiên hạ và tha tô thuế, tạp dịch cho những vùng trải qua chiến tranh, các vùng khác tùy vào mức độ bị tàn phá mà giảm. Tiếp sau đó, vua ban hàng loạt chính sách nhằm "khoan thư sức dân", thúc đẩy sản xuất, tiến hành khen thưởng những người có công lao trong hai cuộc chiến, đồng thời tùy vào nặng nhẹ mà xử lý những người mắc tội. Bên cạnh đó, nhà vua đã để lại trong lòng quân dân nước Việt một sự cảm kích về tấm lòng độ lượng bao dung, sẵn sàng tha thứ chứ không thù hận, nghi kị đối với các thế lực thù trong giặc ngoài, qua việc cho đốt hết hồ sơ những người cấu kết với giặc, phản bội dân tộc trong lúc đất nước lâm nguy để những người lầm lỡ này được yên tâm sống, làm việc và có cơ hội chuộc lại lỗi lầm bằng lao động, sản xuất và cống hiến.

            Song song với việc giải quyết chính sách hậu chiến, nhà vua tiến hành hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng phi quân sự bằng việc "chọn các quan văn chia đi cai trị các lộ" để thực hiện việc cai trị đất nước theo pháp luật, từ đó tạo điều kiện cho người dân mở mang sản xuất, phát triển kinh tế.

            Nhờ tài năng và công đức cùng với việc ban hành hàng loạt chính sách có tính sách lược và chiến lược, Trần Nhân Tông đã đưa Đại Việt nhanh chóng ổn định về đời sống, kinh tế, văn hóa, nhân dân được hưởng cuộc sống thái bình, thịnh trị.

            Con người Trần Nhân Tông là sự kết hợp hài hòa của một người anh hùng cứu nước, một triết gia, một thi nhân. Ngòi bút của ngài có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm quan triết học và cảm quan thế sự, chất chứa tinh thần lạc quan, yêu đời, tấm lòng vị tha của một nhân cách lớn cùng sự dung động tinh tế, lòng yêu tự do của một nghệ sĩ.

            Tên tuổi và sự nghiệp của Đức Vua, Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông là những nét son chói lọi trong trang sử vàng của dân tộc Việt Nam, là bậc Tổ sư tôn kính đối với tất cả tăng, ni, phật tử và con cháu muôn đời của đất Việt. Tư tưởng, tinh thần của Ngài: “Ở đời vui với đạo, sống tùy duyên”  và sự dung hợp “Tam giáo đồng nguyên”, là tư tưởng sống hòa bình, giàu lòng nhân ái, đậm đà văn hoá cội nguồn dân tộc cần được phát huy tích cực trong đời sống tinh thần, tâm linh của người dân đất Việt. Chúng ta phải biết trân trọng, tôn quý, giữ gìn gia tài vô giá mà bậc Đại sỹ Trúc Lâm, Phật Hoàng để lại. Ngài là một trong những vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa tiêu biểu trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam.

Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên núi Yên Tử

                                                                                                                                                            Phòng NVTT, BQL Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử

 

In bài viết    Quay lại
Các tin đã đăng
 

DANH MỤC

WEBSITE SỞ NGÀNH

SỐ LƯỢT TRUY CẬP SỐ LƯỢT TRUY CẬP

Tổng số lượt truy cập 21.950.878
Trong ngày 73586
Số người online 179

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

BAN QUẢN LÝ DI TÍCH VÀ RỪNG QUỐC GIA YÊN TỬ


Giấy phép hoạt động số 06/ GPTTĐT_ STTTT ngày 22 tháng 4 năm 2019 của Sở TTTT tỉnh Quảng Ninh
Cơ quan chủ quản: Bản quản lý Yên Tử
Địa chỉ: Dốc đỏ, P.Phương Đông, TP.Uông Bí, T.Quảng Ninh
Chịu trách nhiệm: Ông Lê Tiến Dũng         Trưởng ban

Điện thoại: 02033 854 153                  Fax: 02033 854 153

Email: bqlyentu@gmail.com              Website: http://banquanlyyentu.vn

 

Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.

Thiết kế bởi: Viện Công Nghệ Viễn Thông Email: info@vnitt.ac.cn | Điện thoại: 08.39972030