Thư viện hình ảnh -
Chi tiết bài viết -

Kỳ thú rừng quốc gia Yên Tử

Khu rừng quốc gia Yên Tử có tổng diện tích tự nhiên là 2.783ha, một diện tích không lớn, nhưng nơi đây vẫn được xem như một bảo tàng lưu giữ và bảo tồn hệ sinh thái đa dạng của hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Đặc biệt, rừng quốc gia Yên Tử còn ẩn chứa bên trong những giá trị văn hoá tâm linh, di tích quốc gia đặc biệt...

Giàu có về tự nhiên...

Theo đánh giá thì rừng nơi đây có diện tích nhỏ, gần đô thị và từng bị tác động trước đây, nhưng đến nay đã được phục hồi, bảo vệ tốt với diện tích rừng chiếm 93,6% diện tích tự nhiên. Trong số 206 loài động vật có xương sống tại rừng quốc gia Yên Tử, có trên 20 loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam, như: Sóc bay lớn, voọc mũi hếch, ếch ang, ếch gai, thằn lằn cá sấu… Thực vật cũng rất đa dạng với tổng số 830 loài thuộc 5 ngành khác nhau, trong đó có 38 loài thực vật đặc hữu quý hiếm, như: Táu mật, lim xanh, lát hoá, thông tre, la hán rừng, vù hương, kim giao… Đáng kể nữa là rừng quốc gia Yên Tử hiện còn có một số loài cây đã gắn bó với cuộc đời tu hành tại Yên Tử của Phật hoàng Trần Nhân Tông và các đệ tử của ngài là cây tùng 700 năm tuổi, trúc, cây đại cổ, mai vàng Yên Tử…

Con đường đưa khách hành hương về Yên Tử qua khu rừng quốc gia.
Con đường đưa khách hành hương về Yên Tử qua khu rừng quốc gia.

Không chỉ đa dạng về số loài thực vật, rừng quốc gia Yên Tử còn là một vườn thuốc quý với nhiều loại cây thuốc có giá trị cao như: Ngũ gia bì gai, kim tuyến, cát sâm, bách xanh, đại kế, hoằng tinh hoa trắng, hà thủ ô đỏ, bổ béo đen, giảo cổ lam, rau sắng, lan một lá, bảy lá một hoa, sâm cuốn chiếu, ba gạc Ấn Độ, trầu một lá… có tác dụng trị ung thư, hạ đường huyết, đau dạ dày, viêm gan siêu vi trùng, sốt xuất huyết, đau cơ xương khớp, cảm sốt, ho… Vì vậy, Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử đã tăng cường công tác tuyên truyền, bảo vệ, hạn chế người dân khai thác các loại cây dược liệu trong rừng.

Cùng với đó, nơi đây cũng được kế thừa kết quả nghiên cứu khoa học về các loài cây thuốc để từ đó có cơ sở định hướng cho công tác bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý từ PGS,TS Trần Văn Ơn (Trường Đại học Dược Hà Nội). Ông đã nghiên cứu, khảo sát, điều tra và đưa ra những giải pháp bảo tồn, phát triển nguồn cây dược liệu ở rừng quốc gia Yên Tử. Kết quả bước đầu đã đưa ra được danh lục thực vật nơi đây, trong đó có cây thuốc, chia sẻ lợi ích cho cộng đồng dân cư trong việc sơ chế, khai thác hợp lý nguồn cây thuốc… Trên cơ sở này, TP Uông Bí cũng đã xây dựng được kế hoạch cho công tác quản lý và bảo vệ nguồn gen các cây thuốc quý. PGS,TS Trần Văn Ơn cũng chia sẻ ý tưởng rằng, nếu xây dựng vườn cây thuốc Yên Tử cho khu vực Đông Bắc thì sẽ vừa bảo tồn, vừa phát triển tài nguyên và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Vườn cây thuốc Yên Tử sẽ có 3 chức năng chính, gồm nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo và giải trí khi phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…

Và tiềm năng du lịch

Hiện Yên Tử đã trở thành Trung tâm Phật giáo Việt Nam, thu hút hàng triệu lượt du khách về chiêm bái hàng năm. Địa thế tự nhiên của di tích với các chùa chiền, am tháp nằm xen kẽ giữa cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ của rừng quốc gia Yên Tử càng tôn thêm vẻ linh thiêng cho vùng đất phật, là tiềm năng lớn cho phát triển du lịch tâm linh, sinh thái. Cũng chính vì vậy, việc bảo tồn, phát triển bền vững các giá trị đa dạng sinh học của rừng quốc gia Yên Tử đã và đang được gắn kết chặt chẽ với bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hoá này.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, Yên Tử nằm trong tuyến du lịch lễ hội, tâm linh chủ đạo: Chùa Hương - Tam Chúc - Bái Đính - đền Trần, Phủ Giày - chùa Keo - Yên Tử. Bên cạnh đó, rừng quốc gia Yên Tử còn có thể tổ chức nhiều loại hình du lịch khác. Tiêu biểu như du lịch sinh thái gắn với giáo dục môi trường khi vừa tham gia hành hương vừa kết hợp thưởng ngoạn những cảnh đẹp riêng có trên con đường hành hương dưới tán rừng như đường tùng, đường trúc, vườn tùng, thác Vàng, thác Bạc; tìm hiểu những loài động, thực vật quý hiếm của Yên Tử… Rồi du lịch nghỉ dưỡng, du khách có thể ở lại các chùa, thiền viện để tĩnh dưỡng, nghe giảng kinh, ngồi thiền, chữa bệnh; du lịch homestay khám phá văn hoá bản địa của cộng đồng các dân tộc ít người dưới chân núi Yên Tử; phát triển du lịch thám hiểm, thể thao bằng cách tạo thêm cơ sở hạ tầng, từ đó du khách có thể đi xe đạp, đi bộ dã ngoại khám phá thiên nhiên, nâng cao sức khoẻ…

Nguồn: Ngọc Mai (báo Quảng Ninh)

In bài viết    Quay lại
Các tin đã đăng
 

Tổng số lượt truy cập 31.992.644
Trong ngày 1968
Số người online 70

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

BAN QUẢN LÝ DI TÍCH VÀ RỪNG QUỐC GIA YÊN TỬ


Giấy phép hoạt động số 06/ GPTTĐT_ STTTT ngày 22 tháng 4 năm 2019 của Sở TTTT tỉnh Quảng Ninh
Cơ quan chủ quản: Bản quản lý Yên Tử
Địa chỉ: Dốc đỏ, P.Phương Đông, TP.Uông Bí, T.Quảng Ninh
Chịu trách nhiệm: Ông Lê Tiến Dũng         Trưởng ban

Điện thoại: 02033 854 153                  Fax: 02033 854 153

Email: bqlyentu@gmail.com              Website: http://banquanlyyentu.vn

 

Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.

Thiết kế bởi: Viện Công Nghệ Viễn Thông Email: info@vnitt.ac.cn | Điện thoại: 08.39972030