Thư viện hình ảnh -
Chi tiết bài viết -

Những người bảo vệ non thiêng Yên Tử

 Núi Yên Tử ngàn đời được biết đến và ngợi ca là nơi "Phúc địa" mang một vẻ đẹp hoang sơ, kì vĩ, gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp phi thường của đức Hoàng đế Trần Nhân Tông, người đã khai sáng ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Quần thể khu danh thắng bao gồm các chùa, am, tháp và các phế tích hiện nay, nằm trong 2.800ha Rừng Quốc gia Yên Tử. Và những cán bộ làm nhiệm vụ bảo vệ những cánh rừng chốn non thiêng này, cũng có biết bao nhiêu câu chuyện đáng để nghe và suy ngẫm.

ra5u_16b
Một phiên tuần tra của Đội quản lý, bảo vệ Rừng Quốc gia Yên Tử. Ảnh: Phương Loan

Những người đến với rừng

Quần thể Rừng Quốc gia Yên Tử là một vùng rừng có danh thắng đẹp, nổi tiếng, hệ sinh thái đa dạng. Trong rừng có nhiều loại gỗ, cây dược liệu và thú quý hiếm được ghi trong sách Đỏ Việt Nam. Không chỉ có vậy, Rừng Quốc gia Yên Tử có những nét đặc trưng rất riêng biệt. Trong vùng đệm hiện có nhiều hộ người dân tộc thiểu số sinh sống với những tập tục sinh hoạt còn lạc hậu, cuộc sống của họ chủ yếu bằng nghề khai thác lâm, thổ sản, săn bắt thú rừng. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Không những thế, vào mùa lễ hội, có đến hàng chục ngàn người đổ về Yên Tử mỗi ngày. Trong thời gian hành hương, du khách cũng đồng thời xả rác thải khắp nơi, ảnh hưởng không tốt tới môi trường và hệ sinh thái của rừng. Thêm vào đó là việc thắp hương, đốt tiền vàng mã, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy rừng.

Mỗi chuyến tuần tra là một lần vượt núi, băng đèo, xuyên rừng, lội suối. Địa hình vô cùng hiểm trở. Phòng quản lý bảo vệ rừng có 16 cán bộ, nhân viên, đều là lao động hợp đồng, trực thuộc Ban quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử. Lực lượng bảo vệ này phải quản lý một địa bàn rộng tới gần 2.800ha, trải dài hơn 20 cây số. Tuần tra giữa rừng Yên Tử, có những con đường mòn trơn trượt, nhiều chỗ chỉ rộng khoảng 30cm, kẹp giữa một bên là vách núi, một bên vực sâu, tứ bề được bưng kín mít bởi rừng cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi. Chỉ cần sẩy chân một chút là có thể rơi ngay xuống vực. Nhưng với các anh, nguy hiểm nhất vẫn là khi phải đấu tranh với sự chống trả liều lĩnh của bọn lâm tặc cùng những vũ khí nóng và thủ đoạn hết sức tinh vi của chúng.

Có hàng trăm ngàn lý do để những con người này tự nguyện gắn cuộc đời bình dị của mình với đỉnh non thiêng. Cũng có biết bao niềm vui, nỗi buồn, trăn trở mà không phải ai cũng có thể thấu hiểu, sẻ chia. Anh Vũ Ngọc Hương, một cán bộ đã có 17 năm gắn bó với công việc bảo vệ rừng nhớ lại: "Lúc mới vào làm bảo vệ rừng ở Ban Quản lý rừng đặc dụng Yên Tử thấy vất vả vô cùng. Vì chưa quen với công việc nên tôi nản lắm. Nhưng không hiểu sao, đơn xin nghỉ việc cứ viết rồi lại xé. Bởi khi ở nhà viết xong đơn định mang lên cơ quan nộp, nhưng nhìn lại những cánh rừng ngút ngàn, tôi lại thôi, lại mang đơn về".

Câu chuyện nghề cứ thế mở ra: Nào là, có những đêm, mọi nhà đang yên giấc thì anh Hương và đồng nghiệp do yêu cầu nhiệm vụ vẫn lặn lội âm thầm giữa núi thẳm, rừng sâu. Mọi vật dụng cần thiết cho sinh hoạt trong những chuyến tuần tra đều gói gọn trong chiếc ba lô. Cũng có những chuyến đi gặp mưa bão, anh em phải chui vào hang đá để trú ngụ. Không nấu được cơm, anh em gặm mì tôm sống hoặc gạo rang mang theo ăn cho đỡ đói. Mặc dù hoạt động trong điều kiện vất vả, khó khăn, thiếu thốn, nhưng mọi người vẫn cố gắng không bỏ dở công việc được giao. Thậm chí có lần, khi đang tuần tra giữa đêm khuya, anh Hương giẫm phải một con rắn cạp nia rất hung dữ. Nhờ được các đồng nghiệp ga rô kịp thời nên anh đã may mắn thoát chết.

Ngoài anh Vũ Ngọc Hương, rất nhiều người trong Đội quản lý, bảo vệ Rừng Quốc gia Yên Tử cũng có quãng thời gian dài gắn bó với rừng trên đỉnh non thiêng. Cũng như anh Hương, hơn 10 năm qua, anh Vũ Văn Hậu không thể nào nhớ hết bao lần phải ngủ giữa rừng đêm, chạy lũ quét, tắm mưa ngàn. Đặc biệt trong đó, có một tình huống anh và các đồng nghiệp phải kiên trì đấu tranh trước sự chống trả quyết liệt của bọn lâm tặc xảy ra vào cuối năm 2007.

"Hôm ấy, Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 3 (đặt tại địa bàn xã Tràng Lương, huyện Đông Triều) nhận được thông tin có xe chở gỗ trái phép, Trạm liền tổ chức họp bàn, lên phương án kiểm tra, bắt giữ. Khi chiếc xe này vừa đến khu vực Trạm, anh em yêu cầu kiểm tra, lập tức một đối tượng ngồi trong xe hùng hổ nhảy xuống rồi rút ra một quả lựu đạn và quát lớn: "Nếu không cho tao qua, tao sẽ cho nổ lựu đạn". Lúc này trên xe còn có một số phụ nữ người địa phương đi nhờ, mọi người đều hốt hoảng, lo sợ. Nhưng cán bộ, nhân viên của Trạm vẫn hết sức bình tĩnh, chọn đúng thời cơ đối tượng thiếu tập trung, lao lên ca-bin xe khống chế đối tượng, tước và thu giữ quả lựu đạn, sau đó bàn giao người và tang vật cho cơ quan chức năng điều tra, xử lý..." - anh Hậu ôn tồn kể lại.

Những tình huống cam go như vậy không phải là hiếm gặp trong suốt mười mấy năm làm nghề của những cán bộ này. Bên cạnh đội ngũ đã có thâm niên công tác, cũng có những cán bộ còn rất trẻ. Mặc dù mới bước vào nghề, nhưng sức hút mãnh liệt từ màu xanh trên đỉnh non thiêng đã khiến anh nhân viên trẻ Hoàng Dương Lanh kiên quyết lựa chọn và gắn bó với nghề.

"Em vào đây từ năm 2008, nếu không vì yêu rừng thì em đã bỏ việc lâu rồi. Thu nhập thì quá thấp, mỗi tháng gần 3 triệu đồng. Có lần, con em ốm phải đi viện, không có tiền đóng viện phí. Đêm ấy, em đã nghĩ đến xin nghỉ việc, nhưng sáng hôm sau, trên đường đi nộp đơn lên cấp trên, đi qua những cánh rừng quen thuộc, em thấy không thể xa được rừng, nên em đã quyết định rút đơn".

Vì một Yên Tử mãi xanh

Trong những năm qua, tình trạng chặt phá rừng nói chung đang có nhiều diễn biến phức tạp. Đối với Rừng Quốc gia Yên Tử cũng không phải là ngoại lệ. Trước đây, khi chưa có Ban quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử, nơi đây từng là điểm nóng về tình trạng chặt phá rừng. Đến nay, sau nhiều nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên trong Ban quản lý, hiện tượng khai thác lâm sản trái phép đã được đẩy lùi. Rừng được bảo vệ nghiêm ngặt và được trả lại màu xanh vốn có.

Để công tác bảo vệ rừng được thực hiện hiệu quả hơn, ngoài việc tổ chức tuần tra, canh gác, điều quan trọng là phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân xung quanh khu vực không đốt rừng làm nương rẫy, không săn bắt thú rừng và không xâm hại đến rừng. Thậm chí, các anh còn phải tự nguyện sẻ chia một phần từ đồng lương ít ỏi của mình để giúp đỡ những bà con có hoàn cảnh khó khăn trong mỗi chuyến đi.

Mưa dầm thấm lâu, những việc làm ấy đã đem lại hiệu quả tích cực. Hiện, bà con sinh sống ở khu vực cửa rừng đã không còn chặt phá cây rừng bừa bãi hay săn bắt thú nữa. Điều đáng mừng hơn là, mỗi khi phát hiện hành vi vi phạm lâm luật, bà con kịp thời thông báo ngay cho cơ quan chức năng biết để xử lý, ngăn chặn...

16a
Quần thể danh thắng Yên Tử giữa rừng xanh bao la. Ảnh Phương Loan

Nằm ẩn mình bên dãy núi Yên Tử quanh năm với mây - ngàn - non - nước - sương giăng, Rừng Quốc gia Yên Tử vẫn mang trọn vẹn hệ sinh thái của rừng nguyên sinh. Do đó, cùng với việc phát triển các hoạt động du lịch tâm linh và bảo vệ rừng đặc dụng, Ban quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử còn đang hướng tới mục tiêu phát triển nơi đây trở thành một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, xứng tầm với tiềm năng và giá trị vốn có của nó.

Trong hơn 10 năm hoạt động nơi "Phúc địa", Ban quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử đã trồng mới được hơn 236ha rừng, chăm sóc hơn 480ha rừng, khoanh nuôi, bảo vệ 33.000ha rừng, phát gần 130ha đường băng ngăn cản lửa. Những con số đó là cả quá trình lao động bền bỉ, sáng tạo, phải đánh đổi biết bao nhiêu mồ hôi, sức lực của những con người đang ngày đêm lặng thầm với công việc bình dị mà rất đỗi thiêng liêng này. Những quả đồi trơ trụi, khô cằn trước đây, hiện giờ đã được tái sinh, phủ một màu xanh hy vọng. Mỗi một chồi non mọc lên trên mảnh đất khô cằn là một mầm sống nảy nở giữa cuộc đời. Chúng tôi hiểu rằng, góc bình yên của các anh chính là tình yêu vô tận đối với những cánh rừng, với màu xanh cuộc sống.

Theo: Phương Loan/ Biên phòng

In bài viết    Quay lại
Các tin đã đăng
 

Tổng số lượt truy cập 19.413.545
Trong ngày 11954
Số người online 207

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

BAN QUẢN LÝ DI TÍCH VÀ RỪNG QUỐC GIA YÊN TỬ


Giấy phép hoạt động số 06/ GPTTĐT_ STTTT ngày 22 tháng 4 năm 2019 của Sở TTTT tỉnh Quảng Ninh
Cơ quan chủ quản: Bản quản lý Yên Tử
Địa chỉ: Dốc đỏ, P.Phương Đông, TP.Uông Bí, T.Quảng Ninh
Chịu trách nhiệm: Ông Lê Tiến Dũng         Trưởng ban

Điện thoại: 02033 854 153                  Fax: 02033 854 153

Email: bqlyentu@gmail.com              Website: http://banquanlyyentu.vn

 

Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.

Thiết kế bởi: Viện Công Nghệ Viễn Thông Email: info@vnitt.ac.cn | Điện thoại: 08.39972030