Cơ hội "cứu" xích tùng Yên Tử
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1451/QĐ-TTg ngày 25/9/2017 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Chăm sóc, bảo tồn các cây xích tùng cổ tại Rừng quốc gia Yên Tử, TP Uông Bí.
Đường Tùng với khoảng 3 chục cây tùng cổ là một trong những tuyến hành hương đẹp nhất ở Yên Tử.
Dự án này mang lại cơ hội “cứu” xích tùng - loài cây gắn liền với các giá trị văn hoá tâm linh của Di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, lâu nay đã và đang phải đối mặt với nguy cơ xâm hại rất lớn do tác động từ con người và tự nhiên.
Xích tùng được trồng ở Yên Tử từ hàng trăm năm trước, hiện còn sống hơn hai trăm cây, phân bố chủ yếu ở các tuyến đường hành hương và xung quanh khu vực các điểm chùa, am, tháp của di tích, như: Vườn Tùng, đường Tùng, khu vực vườn Tháp Tổ - chùa Hoa Yên, đường sang Thác Vàng, tuyến đường từ chùa Hoa Yên sang chùa Vân Tiêu...
Đường Tùng cũng là nơi mà các "cụ tùng" phải đối mặt với nguy cơ xâm hại rất lớn từ con người và tự nhiên.
Các cơ quan thông tấn, báo chí, trong đó có Báo Quảng Ninh đã nhiều lần lên tiếng về tình trạng bị xâm hại của xích tùng Yên Tử. Các “lão tùng” trên đường Tùng - tuyến đường hành hương thuộc diện đẹp nhất ở Yên Tử, hầu như đều có vấn đề: Cây đã chết khô, gốc bị mối xông ruỗng, cây bị sâu bệnh, cây lại bị cụt ngọn. Bộ rễ tùng bị mưa bào mòn, bị chân khách hành hương giẫm lên, trơ cả lõi. Ở các khu vực khác, ngoài sâu bệnh, tùng còn bị mưa, bão quật đổ. Số lượng tùng đã chết lên tới hơn chục cây chỉ trong vòng 5, 6 năm trở lại đây.
Một "lão tùng" bị sâu bệnh làm hỏng thân cây.
Theo Quyết định, giai đoạn 2018-2021, Dự án Chăm sóc, bảo tồn các cây xích tùng cổ tại Rừng quốc gia Yên Tử sẽ thực hiện nhiều nội dung, gồm: Chăm sóc 237 cây xích tùng cổ (cắt tỉa cành chết khô, xử lý sâu bệnh, cắt dây leo, phát quang, tạo không gian dinh dưỡng cho cây…); nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng vườn ươm thực vật đã có, như: Lắp dựng khu nhà lưới 300m2, khu ươm cây 2.000m2, khu dưỡng cây 17.700m2…; gieo ươm 300 cây giống xích tùng; sưu tầm và chăm sóc 60 cây tái sinh tự nhiên phục vụ cho công tác phục hồi nguyên trạng các cây xích tùng ở Rừng quốc gia Yên Tử; trồng thay thế 50 cây xích tùng cổ đã chết.
Một cây tùng bị chết, gốc bị mối xông ruỗng.
Nguồn vốn thực hiện Dự án là trên 26 tỷ đồng, từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác. Trong đó, ngân sách tỉnh 13 tỷ đồng, còn lại là ngân sách TP Uông Bí và các nguồn xã hội hóa khác.
Trước đây, từng có nhiều giải pháp được thực hiện nhằm giảm thiểu nguy cơ xâm hại và cứu các “lão tùng” Yên Tử, như: Tuyên truyền, nhắc nhở người dân, du khách không xâm hại cây trong quá trình hành hương; kè đá tạo bậc tại đường Tùng; mở thêm đường Trúc bên cạnh đường Tùng, để giảm áp lực, tác động lên đường Tùng; đầu tư kinh phí để cắt tỉa cành, nạo vét, xử lý mục, mối, diệt sâu bọ cho một số cây và đắp giả thân cây để đỡ những cây có nguy cơ đổ gẫy.
Một gốc tùng bị bão quật đổ tại khu vực vườn Tùng.
Năm 2010, 2011, Dự án Bảo tồn cây tùng Yên Tử cũng đã được tỉnh, sở, ngành đồng ý về mặt chủ trương nhưng sau này không triển khai tiếp được vì nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là khó khăn về mặt xã hội hoá kinh phí.
Kỹ sư Phạm Văn Sự, nguyên cán bộ Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử đã nhân giống tùng Yên Tử từ hạt.
Năm 2016, TP Uông Bí cũng đã đề xuất và được tỉnh đồng ý về mặt chủ trương đối với Dự án Chăm sóc, bảo tồn các loài cây xích tùng cổ tại Rừng quốc gia Yên Tử, giai đoạn 2016-2020 với tổng vốn đầu tư 27 tỷ, từ ngân sách tỉnh và địa phương. Theo Luật Đầu tư công, các dự án liên quan đến di tích quốc gia đặc biệt phải do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vì vậy, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã hoàn thiện hồ sơ, trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương đầu tư đối với dự án kể trên.
...và nhân giống thành công bằng cành tùng.
Chia sẻ về việc triển khai Dự án, anh Phạm Văn Dược, Phó Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, đơn vị được giao trực tiếp thực hiện Dự án cho biết: Chúng tôi sẽ thực hiện 2 phần việc song song nhau đó là: Chăm sóc những cây tùng cổ bị sâu bệnh, xâm hại và nhân giống cây tùng con. Hơn 2 trăm cây tùng cổ còn sống, mỗi cây sẽ được xem như một công trình, có một “phác đồ” điều trị bệnh riêng cho từng cây. Cùng với đó là nhân giống để tạo một thế hệ cây kế cận thay cho các “lão tùng” sẽ ra đi theo quy luật tự nhiên, đồng thời trồng mới, bổ sung tùng ở những vị trí cây đã chết, trồng thêm ở các điểm di tích để tạo cảnh quan. Các khâu sẽ được làm thận trọng theo hướng vừa làm vừa nghiên cứu, thử nghiệm để có thành công cao nhất.
Theo baoquangninh.com.vn