TIN TỨC

Bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông- Bảo vật quốc gia duy nhất được trưng bày ngoài trời tại Khu Di tích Yên Tử

    Là một trong bốn bảo vật quốc gia được công nhận tháng 12 năm 2020,tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông bằng đá sa thạch,hiện thờ tại Huệ Quang kim tháp-Chùa Hoa Yên- Khu Di tích Yên Tử

Yên Tử là quần thể Di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của cả nước.Hơn 700 năm trước,vua Trần Nhân Tông sau hai lần lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh thắng giặc Nguyên Mông đã từ bỏ ngai vàng về Yên Tử tu hành,sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm- Đạo Phật của Việt Nam và ngài trở thành Đức Phật của Việt Nam.

Tháp Huệ Quang ( Chùa Hoa Yên) là nơi lưu giữ xá lợi của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.Tháp được  dựng vào năm 1309,một năm sau khi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn,do vua Trần Anh Tông cùng triều đình và Đệ nhị Tổ Pháp Loa cùng các Tăng sĩ Thiền Phái Trúc Lâm xây dựng.Trong Tháp thờ Bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được tạc thủ công bằng đá sa thạch(đá xanh) cùng chất liệu,nguồn gốc,thành phần khoáng vật và hóa học với đá xây tháp thowig Trần.Tuy nhiên tượng không được tạo tác vào thời Trần mà vào thời Lê Trung Hưng điều này căn cứ vào kỹ thuật,kích thước,phong cách điêu khắc,trang trí trên tượng.Đây là một điển hình mẫu trong nghệ thuật điêu  khắc tượng Phật Đại Việt thế kỷ 17.

Tượng gồm 2 phần:Bệ và Thân tượng,cao tổng thể 83.8cm,đầu rộng 13.5cm,đế rộng 59cm.Hai phần này được tạo tác riêng biệt sau đó được gắn với nhau bằng hệ thống mộng và lỗ mộng.Tượng tạc tư thế thiền buông thư,kiểu ngồi bán kiết,bàn chân trái dặt lên đùi phải,lòng bàn chaan ngửa lên.Thân thẳng,vuông góc với bệ.Đầu thẳng,mắt nhìn thẳng,mũi to,eo thon,ngực đầy nhưng không nổi khối.bàn tay phải đặt tren đầu bàn chân trái,đầu ngón tay giữa và ngón cái chạm vào nhau,ngón trỏ đè lên trên,hai đốt trên của ngón út và ngón áp út gập lại.Thế tay này không có trong các thế thủ ấn của Phật giáo.Tay trái đặt lên trên chân trái,các ngón tay thẳng không bắt ấn.

Tượng được thể hiện với gương mặt thanh tú,tai to,trán rộng,cổ cao nhiều ngấn,thân hình thanh thoát mà dáng vẻ uy nghiêm.Các nếp áo,quần chồng xếp mềm mại,uyển chuyển,họa tiết hoa văn trên vạt áo,gấu quần chi tiết và sắc nét.Ngoài các đường nét uốn lượn của trang phục,thể hiện sự tinh tế của nghệ nhân tạc tượng thì các họa tiết trang trí trên vạt y trung và gấu y hạ,y thượng đều cho thấy tính thẩm mỹ,ý nghĩa tư tưởng và tôn lên giá trị của tượng.

Tượng đặt trên một bệ hình chữ nhật kiểu sập chân quỳ dạ cá.Sập gồm 2 phần.

Phần mặt vuông phía trên nổi cao giống như bồ đoàn,mặt trước của phần bệ chia làm 5 ô hộc,2 ô hộc ngoài cùng có cấu trúc hình vuông,lòng trang trí bông sen trên nền dây lá.Ô chính giữa là ô hình vuông trong lòng trang trí hoa sen và 2 ô hộc ở hai bên.Nằm sen cài giữa ô giữa và ô ngoài cùng trang trí hình rồng chầu sen.Hai mặt bên tạo ô hình hộc chữ nhậ,giữa trang trí hoa sen,mặt sau để trơn.

Các nghệ nhân xưa tạc thô tượng,phác thảo hình khối,cấu trúc sau sđó chỉnh tinh đặc biệt là các nếp áo và hoa văn trang trí trên y trung và y hạ.Sau khi tạc xong toàn bộ bề mặt được mài nhẵn,không để lại vết mài.Để làm được điều này các nghệ nhân sử dụng phương pháp mài và đánh bóng bằng cát,nước và bàn mài.Ngay cả các vị trí hoa văn với các đường nét nhỏ,phạm vi hẹp cũng được mài nhẵn.

Các nhà khoa học thuộc Viện Năng lượng và Nguyên tử Việt Nam đã kiểm tra 11 điểm trên bức tượng và phát hiện bức tượng có thể đã được phủ sơn và thếp vàng.

Tượng Phạt hoàng Trần Nhân Tông là điển hình cho nghệ thuật điêu khắc tượng Phật Đại Việt thế kỷ 17.Họa tiết vân mây điểm xuyết cho đồ án hình rồng là các dải mây kéo thành đao mác.Các họa tiết và đồ án sen dây trên y trung,y hạ và hoa sen trên bệ là đồng nhất phong cách,cấu trúc và hình thức thể hiện.Riêng đồ án hoa sen dây trên pháp phục gặp nhiều trên văn bia và tượng thờ thời Lê Trung Hưng.Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông mang giá trí lịch sử văn hóa tiêu biểu đặc sắc,là pho tượng cổ nhất hiện còn thể hiện tư thế tự tại,vô ngã,vô chấp và tùy duyên nhưng rất chuẩn mực trong tư tưởng,hành trì của Đấng giác ngộ.

Là một vị vua từ bỏ ngôi vị,xuất gia và đắc đạo.Là người sáng lập ra Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử do vậy mà Phật Hoàng được thờ phụng ở rất nhiều nơi.Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông ở Chùa Phổ Minh(Nam Định)được tạo tác theo tư thế sư tử tọa,mô tả lại khoảnh khắc ngài nhập niết bàn.Tượng tại Chùa Vĩnh Nghiêm(Bắc Giang)thể hiện tư thế thiền buông thư trên bệ vuông,thân khoác y cửu điều,tay phải lần tràng hạt.Còn tượng thờ tại nhà Tổ chùa Hồ Thiên(Đông Triều- Quảng Ninh) được tạc tư thế tọa thiền trên đài sen,hai tay bắt ấn tam muội,thân khoác y cửu điều.

Qua so sánh các tượng thờ có thể thấy bảo vật tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông tại Huệ Quang Kim Tháp là hiện vật độc bản,không giống với bất kỳ pho tượng nào cả về tư thế,pháp phục,họa tiết trang trí và cả hình tướng.

In bài viết    Quay lại
Các tin đã đăng
 

DANH MỤC

WEBSITE SỞ NGÀNH

SỐ LƯỢT TRUY CẬP SỐ LƯỢT TRUY CẬP

Tổng số lượt truy cập 21.221.720
Trong ngày 3740
Số người online 25

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

BAN QUẢN LÝ DI TÍCH VÀ RỪNG QUỐC GIA YÊN TỬ


Giấy phép hoạt động số 06/ GPTTĐT_ STTTT ngày 22 tháng 4 năm 2019 của Sở TTTT tỉnh Quảng Ninh
Cơ quan chủ quản: Bản quản lý Yên Tử
Địa chỉ: Dốc đỏ, P.Phương Đông, TP.Uông Bí, T.Quảng Ninh
Chịu trách nhiệm: Ông Lê Tiến Dũng         Trưởng ban

Điện thoại: 02033 854 153                  Fax: 02033 854 153

Email: bqlyentu@gmail.com              Website: http://banquanlyyentu.vn

 

Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.

Thiết kế bởi: Viện Công Nghệ Viễn Thông Email: info@vnitt.ac.cn | Điện thoại: 08.39972030