TIN TỨC

CÂU CHUYỆN DI SẢN

Quần thể Di sản đề cử thuộc dạng chuỗi liên hoàn gồm 20 di tích thành phần được lựa chọn từ hàng trăm di tích và danh thắng thuộc phạm vi của 06 Khu Di tích Quốc gia và Di tích Quốc gia Đặc biệt trên địa bàn 03 tỉnh đó là: (1).Khu di tích và danh thắng Yên Tử (Thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh); (2).Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều (Thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh); (3). Khu di tích lịch sử Bạch Đằng (Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh); (4). Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai (Thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương); (5). Khu di tích An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương (Thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương); (6). Các Di tích Quốc gia Đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà thuộc Khu di tích Tây Yên Tử (tỉnh Bắc Giang) để cùng thể hiện một câu chuyện di sản đó là: “Cánh cung Đông Triều, cụ thể là Dãy núi Yên Tử cùng hệ thống đồng bằng, sông nước, biển đảo bắt nguồn từ đó và bao quanh nó, từ xa xưa đã được biết đến như là một phúc địa của Giao Châu.

Mặt cắt thể hiện một số chùa trên sườn Nam Dãy núi Yên Tử đều nằm trên địa hình bóc mòn, ở các bề mặt san bằng 750m, 400-600m và khoảng 200m.

Ngoài cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nó còn là xương sống, động mạch chủ, phên dậu của vùng lãnh thổ này. Đây là nơi chứng kiến nhiều hiện tượng, quá trình địa chất, tương tác lục địa - đại dương, biển tiến - biển thoái, lãnh thổ tiến ra biển rồi lại ngập chìm trong nước biển, đồng bằng châu thổ chuyển thành vùng cửa sông hình phễu và ngược lại, sông suối đổi dòng... Đây đồng thời cũng là quê hương bản quán của dòng họ Trần - dòng họ sau này đã tạo dựng nên Vương triều Trần rực rỡ trong suốt gần 2 thế kỷ 13-14. Trải qua bao đời sinh sống ở đây và nương theo dòng nước tỏa ra những vùng đất mới khác của hệ thống sông Hồng-Thái Bình, dòng họ Trần cùng bao con dân Đại Việt khác đã tỏ ra rất am hiểu vùng đất này và đã biết cách sống hài hòa, bền vững với tự nhiên, tận dụng triệt để những đặc điểm của tự nhiên vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tâm linh, giao lưu và giao thoa văn hóa, giao thương, an ninh - quốc phòng... của đất nước. Trên vùng đất này, họ Trần và quân dân Đại Việt đã biết cách lợi dụng địa hình, địa vật và rất nhiều yếu tố tự nhiên khác để cùng làm nên chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm 1288 cùng rất nhiều chiến thắng khác, góp phần bảo vệ thành công đất nước trước cuộc xâm lược lần thứ ba của đế chế Mông Cổ - đế chế hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ. 

 

 

(Trên) Bãi cọc Đồng Vạn Muối (ảnh chụp lúc 16:49 ngày 12/07/2021. Mực triều: 3,5m); (Hàng 2 và hàng 3, trái) Cọc phát lộ trong đợt khai quật năm 2005; (Hàng cuối, phải) Sơ đồ do Randall S. (2009) đề xuất về vị trí các bãi cọc (ST-A, B, C...) trong nước (màu xanh nhạt), các gò đượng (xanh đậm) và ghềnh đá (xám).

Cũng trên vùng đất này, Phật hoàng Trần Nhân Tông, sau chiến thắng Bạch Đằng, đã khởi xướng Trúc Lâm Phật giáo bằng cách kế thừa, phát triển tinh hoa và thống nhất các dòng Thiền, các tông phái Phật giáo có trước và đương thời, kết hợp với Nho giáo, Đạo giáo và phong tục, tập quán, tín ngưỡng dân gian, gắn đạo với đời, cùng các đệ tử phát triển thành Trúc Lâm Phật giáo - một Phật giáo đậm chất Việt, tôn giáo chủ đạo của Đại Việt thời bấy giờ - mục đích cuối cùng là hướng tới độc lập, tự chủ, đại đoàn kết dân tộc, nâng cao cảnh giác trước mọi hiểm họa ngoại xâm. Mặc dù chính thức chỉ ra đời từ sau chiến thắng Bạch Đằng, nhưng tinh thần, tư tưởng cốt lõi của Trúc Lâm Phật giáo đã được ươm trồng, bén rễ từ hàng trăm năm trước đó, đặc biệt là bởi các Thiền sư và các vị vua, hoàng thân đầu thời Trần, góp phần to lớn trong việc huy động, đoàn kết quân dân Đại Việt ba lần chiến thắng đế chế Mông Cổ.

  

Cận cảnh tháp Huệ Quang và bệ đá tạc hình hoa sen 102 cánh cùng các họa tiết hoa dây trang trí; (Hàng cuối) Các di vật trang trí đất nung thời Trần tìm thấy ở vườn tháp trong đợt khai quật năm 2007: (Trái) Đầu rồng; (Giữa) Lá đề; (Phải) Gạch hoa cúc lát nền.       

Sau chiến thắng Bạch Đằng, Trúc lâm Phật giáo tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển đất nước. Ba cuộc kháng chiến thắng lợi, một nước Đại Việt độc lập, chủ quyền, giàu bản sắc cùng chính sách bang giao khéo léo trên cơ sở một hệ tư tưởng độc lập, tự chủ, nhập thế, hòa bình là Phật giáo Trúc Lâm đã góp phần gìn giữ hòa bình, ngăn chặn chiến tranh, dập tắt tham vọng bành trướng ra các khu vực Đông Á và Đông Nam Á của đế chế Mông Cổ hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ. Sau thời Trần, Trúc Lâm Phật giáo trải qua nhiều thịnh suy, hiện nay đang dần phục hưng, hội nhập với Phật giáo Việt Nam và Phật giáo quốc tế trong khi vẫn giữ được những bản sắc riêng có của mình, đóng góp vào xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Lãnh thổ của Đại Việt cũng thay đổi nhiều, mở rộng đáng kể về phía Nam, hệ thống sông Hồng-Thái Bình cũng tiến hóa, đổi dòng, cảnh quan Dãy núi Yên Tử tuy dần mất đi vị thế xương sống, động mạch chủ của đất nước ở thời Trần nhưng vẫn còn là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế-xã hội, tâm linh quan trọng nhất của Việt Nam đương đại. Yên Tử cùng hệ thống đa dạng, phong phú các công trình nhân sinh trên đó thể hiện một cách rõ nét nhiều khía cạnh cuộc sống tâm linh, tín ngưỡng, giao lưu văn hóa, giao thương, thậm chí cả chiến tranh... của văn hiến Đại Việt xưa. Yên Tử chứng tỏ một sự am hiểu, thích ứng tuyệt vời của con người đối với tự nhiên, trước những biến đổi to lớn của tự nhiên, thể hiện một cách độc đáo truyền thống sử dụng lãnh thổ, từ vùng núi cao xuống đồng bằng sông nước đến biển đảo của người Việt trong khoảng thế kỷ 13-14.

Mối liên kết ba bên - nền tảng tạo nên Quốc gia, Dân tộc Đại Việt và Giá trị Nổi bật Toàn cầu của Khu di sản đề cử Yên Tử.

Minh họa thêm về mối liên kết ba bên - nền tảng tạo nên Quốc gia Đại Việt.

Bằng sự tổng hòa, tích hợp nhiều dòng Thiền, nhiều tông phái Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo và cả tín ngưỡng của người Việt, Phật giáo Trúc Lâm đã trở thành tôn giáo chủ đạo, riêng có của Đại Việt, ảnh hưởng sâu sắc đến mọi khía cạnh cuộc sống của Đại Việt. Câu chuyện về truyền thống sử dụng lãnh thổ, thích ứng với các đặc điểm, điều kiện tự nhiên, và ảnh hưởng tôn giáo, xã hội và quân sự của Trúc Lâm Phật giáo có ý nghĩa quan trọng không chỉ ở Việt Nam mà ở khu vực châu Á rộng lớn hơn - do đó nó có giá trị di sản thế giới”.

Theo: Kim Thủy/ Trang TTĐT thành phố Uông Bí

In bài viết    Quay lại
Các tin đã đăng
 

DANH MỤC

WEBSITE SỞ NGÀNH

SỐ LƯỢT TRUY CẬP SỐ LƯỢT TRUY CẬP

Tổng số lượt truy cập 21.248.194
Trong ngày 10417
Số người online 24

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

BAN QUẢN LÝ DI TÍCH VÀ RỪNG QUỐC GIA YÊN TỬ


Giấy phép hoạt động số 06/ GPTTĐT_ STTTT ngày 22 tháng 4 năm 2019 của Sở TTTT tỉnh Quảng Ninh
Cơ quan chủ quản: Bản quản lý Yên Tử
Địa chỉ: Dốc đỏ, P.Phương Đông, TP.Uông Bí, T.Quảng Ninh
Chịu trách nhiệm: Ông Lê Tiến Dũng         Trưởng ban

Điện thoại: 02033 854 153                  Fax: 02033 854 153

Email: bqlyentu@gmail.com              Website: http://banquanlyyentu.vn

 

Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.

Thiết kế bởi: Viện Công Nghệ Viễn Thông Email: info@vnitt.ac.cn | Điện thoại: 08.39972030