TIN TỨC

Phật giáo Trúc lâm trong đời sống Đại Việt thời Trần thế kỷ 13 - 14 (Phần 1)

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm Ất Mùi (1295), Thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia ở Hành cung Vũ Lâm, (Ninh Bình) tu theo Đạo giáo. Đến mùa thu năm Kỷ Hợi (1299), Thượng hoàng lại xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh. Tại đây, Thượng hoàng đã kiến lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Người đương thời tôn kính gọi Ngài là Phật Hoàng hoặc Điều Ngự Giác Hoàng, tức là Ông vua giác ngộ đạo Phật. Phật Hoàng Trần Nhân Tông cùng hai đệ tử kiệt xuất là Thiền sư Pháp Loa và Thiền sư Huyền Quang được tôn là Trúc Lâm Tam Tổ. Các vị đã nỗ lực hoằng dương Phật pháp, thống nhất các Thiền phái có trước, kết hợp với Đạo giáo, Nho giáo và tín ngưỡng dân gian, phát triển Trúc Lâm Yên Tử - Phật giáo Trúc Lâm - Phật giáo của Đại Việt thời bấy giờ.

Về giai đoạn hình thành của Phật giáo Trúc Lâm (khoảng 1225-1299), Đại Việt sử ký toàn thư nêu rõ: Tuy Phật giáo Trúc Lâm chính thức được kiến lập vào năm 1299, nhưng tư tưởng cốt lõi của nó đã bắt đầu hình thành từ hơn 70 năm trước đó. Từ hơn 2.000 năm trước đây, dãy núi Yên Tử đã được các nhà tu hành Đạo giáo và Phật giáo lựa chọn để cư trú, tu hành và tên tuổi họ đã được lưu truyền trong nhân gian, sử sách. Triều Lý qua 215 năm tồn tại (1010-1225) đã để lại một di sản rất to lớn trong lĩnh vực tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo, sau này chiếm ưu thế trong Tam giáo và ảnh hưởng rất lớn đến triều Trần (1225-1400). Ba Thiền phái Phật giáo Tỳ - ni – đa – lưu - chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường phát triển mạnh, đến cuối thời Lý thì tự kết thúc hoặc phân nhánh phát triển theo hướng khác. Đầu thế kỷ thứ 13, ba Thiền phái kể trên dần nhập lại làm một. Hầu hết các cơ sở tu tập của hai Thiền phái Tỳ - ni - đa – lưu - chi và Thảo Đường được Thiền phái Vô Ngôn Thông tiếp nhận.

Thời vua Lý Huệ Tông (1211-1224), Thiền sư Hiện Quang (mất năm 1221), đời thứ 14 của Thiền phái Vô Ngôn Thông, đã về Yên Tử lập ra dòng Thiền Yên Tử, trong đó Tam Tổ Phật giáo Trúc Lâm - Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang - đồng thời được tôn là Tổ truyền thừa thứ 6, 7 và 8 của Dòng Thiền này. Vì vậy, có thể nói, Phật giáo Trúc Lâm đã hình thành từ dòng Thiền Yên Tử.

Dòng Thiền Yên Tử do Thiền sư Hiện Quang là Tổ khai sơn và ngài đã về Yên Tử tu ở chùa Hoa Yên. Qua tài liệu "Thiền uyển tập anh" – phần 1, tài liệu lịch sử Phật giáo Việt Nam cổ nhất được biết đến, thì khuynh hướng tư tưởng của Thiền sư Hiện Quang thể hiện rõ thái độ xuất thế tiêu cực, xa lánh, bất hợp tác với vương triều Lý lúc bấy giờ đã mục ruỗng, suy đồi. Thái độ đó trái với tinh thần nhập thế tích cực của học trò, đệ tử trưởng của Ngài đó là Quốc sư Trúc Lâm Đạo Viên - ông là Tổ thứ hai của Dòng Thiền Yên Tử và các thế hệ Tổ sư, Quốc sư sau này đã gần gũi, gắn bó, góp phần định hướng cho triều đình Nhà Trần. Tu trên núi Yên Tử vào cuối thời Lý - đầu thời Trần, Quốc sư Trúc Lâm Đạo Viên chính là người đầu tiên đã đặt nền móng tư tưởng cho Phật giáo Đại Việt thời Trần mà Ngài đã cùng các thế hệ môn đệ kế tiếp của Dòng Thiền Yên Tử, như các Thiền sư, cư sỹ Đại Đăng, Trần Thái Tông, Tiêu Diêu, Trần Thánh Tông, Tuệ Trung Thượng Sỹ Trần Tung... là những người có công lớn trong việc tạo dựng nền móng cho Phật giáo Trúc lâm, với 4 điểm lớn được thể hiện trong tác phẩm Thiền tông chỉ nam tự của vua Trần Thái Tông - người đương thời và cũng là đệ tử xuất sắc của Quốc sư Trúc Lâm Đạo Viên. 4 điểm lớn đó là:

Phật vốn có sẵn ở nơi tâm của mình, không ở ngoài mình, chỉ cần giác ngộ tâm ấy là thành Phật;

Muốn thành Phật không nhất thiết phải xuất gia. Tu tại gia, tu trong nhân gian cũng có thể thành Phật, thậm chí tu tại gia là khó nhất song nếu giác ngộ được cũng là thành tựu nhất. “Nếu giác ngộ được chữ “Tâm” thì lập tức thành Phật, cần gì phải đi cầu ở đâu!”. Quan điểm này trái ngược với việc khuyên người ta lánh đời thoát tục;

Phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình, thể hiện quan điểm Phật giáo rất tích cực, khẳng định Phật giáo không tách rời cuộc sống, dù là vua hay sư cũng phải phụng sự quốc gia và dân tộc;

Phải chuyên tâm tìm hiểu giáo lý nhà Phật, viết nên những tác phẩm Thiền học có giá trị để khai đạo cho người đời.

Hàng 1 Chùa Hồ Thiên và các công trình phụ trợ trên núi Trù Phong.

 

 

Hàng 2 Vườn tháp phía sau chùa và Nhà bia tại chùa Hồ Thiên.

 

Các mảnh cấu kiện một mộ tháp bằng đất nung bị đổ thời Trần cùng gạch mộng, ngói mũi sen và chậu đất nung thời Lê Trung Hưng.

 

Về giai đoạn phát triển cực thịnh của Phật giáo Trúc Lâm (từ năm 1299 đến khoảng năm 1358): Sau khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông về Yên Tử tu vào mùa Thu năm 1299, làm Tổ truyền thừa thứ 6 của Dòng Thiền Yên Tử, sáng lập và trở thành Đệ nhất Tổ của Phật giáo Trúc Lâm thì Phật giáo Trúc Lâm Đại Việt bước sang trang mới. Đặc biệt, từ sau khi Đồng Kiên Cương (Pháp Loa) xuất gia năm 1304 và quan trạng Lý Đạo Tái (Huyền Quang) xuất gia năm 1305, về sau giữ vai trò Tổ thứ 7 và thứ 8 của Dòng Thiền Yên Tử và Đệ nhị, Đệ tam Tổ Phật giáo Trúc Lâm thì Phật giáo này phát triển đến cực thịnh, giữ vai trò nòng cốt trong nền Phật giáo Đại Việt thời đó, có lẽ cho đến khi vua Trần Minh Tông băng hà năm 1358, đánh dấu thời kỳ suy vong của vương triều Trần.

Theo Kim Thuỷ-Uongbi.gov.vn

In bài viết    Quay lại
Các tin đã đăng
 

DANH MỤC

WEBSITE SỞ NGÀNH

SỐ LƯỢT TRUY CẬP SỐ LƯỢT TRUY CẬP

Tổng số lượt truy cập 21.249.273
Trong ngày 11
Số người online 19

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

BAN QUẢN LÝ DI TÍCH VÀ RỪNG QUỐC GIA YÊN TỬ


Giấy phép hoạt động số 06/ GPTTĐT_ STTTT ngày 22 tháng 4 năm 2019 của Sở TTTT tỉnh Quảng Ninh
Cơ quan chủ quản: Bản quản lý Yên Tử
Địa chỉ: Dốc đỏ, P.Phương Đông, TP.Uông Bí, T.Quảng Ninh
Chịu trách nhiệm: Ông Lê Tiến Dũng         Trưởng ban

Điện thoại: 02033 854 153                  Fax: 02033 854 153

Email: bqlyentu@gmail.com              Website: http://banquanlyyentu.vn

 

Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.

Thiết kế bởi: Viện Công Nghệ Viễn Thông Email: info@vnitt.ac.cn | Điện thoại: 08.39972030